Tuy nhiên, trong thực tế có những vụ việc lợi dụng chức vụ trong khu vực tư để trục lợi thì chúng ta không xử về tội gì được. Chẳng hạn, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty tư nhân, lợi dụng vị trí của mình, mang bí mật công ty tiết lộ với đối tác để lấy tiền hoa hồng, khiến cho khi ký hợp đồng công ty bị thiệt. Trong trường hợp này nếu phát hiện ra hành vi của vị trưởng phòng đó, thì cũng chỉ đến đuổi việc, chứ không xử được về hình sự, cũng không có cơ sở để đòi bồi thường.
Ảnh minh họa |
Chính vì luật hình sự không tính hành vi lợi dụng chức vụ trong khu vực tư để trục lợi là tham nhũng, vì thế có nhiều vụ việc xảy ra, người bị hại đi trình báo nhưng không được giải quyết, khiến họ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, phải bỏ qua. Đây là một trong những vấn đề bất bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.
Ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã tham gia Công ước Chống tham nhũng. Theo Công ước này, các quốc gia thành viên cần xem xét hình sự hóa các hành vi tham nhũng của khu vực tư. Hiện trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, ở Điều 352 “Khái niệm tội phạm về chức vụ” cũng đã bước đầu hình sự hóa hành vi tham nhũng ở khu vực tư. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều này đã giới hạn các tội phạm về chức vụ trong khu vực ngoài Nhà nước chỉ bao gồm: Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội đưa hối lộ và Tội môi giới hối lộ.
Ông Sơn cho rằng, việc quy định như vậy là chưa đầy đủ, bởi các hành vi tham nhũng còn có: lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác nhằm trục lợi (như sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn); lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Theo ông Sơn, các hành vi này trong khu vực tư cũng cần phải hình sự hóa.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Hoàng Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty luật Vinh Đức cho rằng, cần có sự bình đẳng trong việc xử lý tội phạm trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Không có lý gì những hành vi này trong khu vực công thì bị xử lý hình sự, mà trong khu vực tư lại không bị. Bên cạnh đó, trong thực tiễn xét xử sẽ này sinh trường hợp một hành vi phạm tội xâm hại đối với cả khu vực công và tư, vậy nếu tách riêng hai trường hợp xâm phạm khu vực công thì xử khác, khu vực tư thì xử khác, sẽ dẫn đến việc cơ quan tố tụng phải xác định tỷ lệ % tài sản công để quyết định có xử lý về tội tham nhũng hay không. Điều này gây rắc rối mất thời gian trong xét xử.
Luật sư Nguyễn Văn Công, Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa còn đề xuất mở rộng phạm vi tham nhũng trong khu vực tư với hành vi cố ý gây thất thoát, lãng phí. Chẳng hạn, người kiểm định hàng của một doanh nghiệp tư, cố ý loại hàng đủ chất lượng sang hàng thứ phẩm để bán thanh lý với giá rẻ cho người thân quen. Hiện nay hành vi này chưa xác định được là tội gì. Theo luật sư Công, đây cũng là một dạng tham nhũng. Khái niệm tham nhũng nên hiểu rộng là tất cả các hành vi bất chính gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các khu vực ngoài Nhà nước.