Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT phát biểu khai mạc Đại hội |
Theo chương trình, Đại hội đồng cổ đông FPT sẽ thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, kế hoạch kinh doanh năm 2016, phương án chia cổ tức năm 2015, chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt 2016, đề xuất sửa đổi Điều lệ công ty phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, lựa chọn công ty kiểm toán, thông qua lương và thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2015 của FPT cho biết, công ty đạt doanh thu 40.003 tỷ đồng trong năm 2015, lợi nhuận trước thuế 2.851 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.438 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 1.931 tỷ đồng, lợi nhuận cổ đông là 1.741 tỷ đồng và trích các quỹ khen thưởng phúc lợi 190 tỷ đồng. EPS đạt 4.386 đồng/cổ phần.
Về phương án chia cổ tức năm 2015, FPT dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% trong quý II/2016. Trước đó, FPT đã chia cổ tức lần 1 vào quý III/2015 với tỷ lệ 10% (tương đương 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).
Trong năm 2016, FPT đặt kế hoạch doanh thu 45.796 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.151 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,5% và 10,5% so với thực hiện năm 2015.
Phần lớn doanh thu của FPT trong năm tới vẫn tập trung ở mảng phân phối và bán lẻ, nhưng tỷ trọng lợi nhuận cao nhất lại thuộc về khối công nghệ. Khối Giáo dục và khác có kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh 51,7%.
Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2016 của FPT |
Về chính sách cổ tức năm 2016, FPT dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% dựa trên số lượng cổ phiếu mới sau khi thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%.
Tại Đại hội hôm nay, FPT cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tờ trình thù lao và lương của Hội đồng quản trị là 16,06 tỷ đồng, thù lao và chi phí hoạt động của Ban Kiểm soát là 788 triệu đồng.
Tại phần thảo luận, câu hỏi của các cổ đông xoay quanh các vấn đề về quản trị doanh nghiệp và việc dự kiến thoái vốn của FPT tại mảng bán lẻ và phân phối.
Đại diện Đoàn Chủ tọa cho biết, theo chiến lược ông Trương Gia Bình chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm ngoái, để tập trung hơn nữa cho mảng CNTT và viễn thông là 2 mảng có động lực tăng trưởng lớn, FPT xem xét giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 mảng là bán lẻ và phân phối. Năm nay chiến lược này đã thực hiện, FPT đã ký hợp đồng với 2 đơn vị tư vấn là Công ty Chứng khoán Bản Việt và Nomura (Nhật Bản).
Thực tế, đây là mảng có hoạt động kinh doanh tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, FPT đã hoàn thành kế hoạch mở điểm bán lẻ của năm 2016.
Cổ đông đặt câu hỏi, tại sao công ty không phát hành cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu để tăng vốn đầu tư cho 2 mảng cốt lõi, trong khi mảng bán lẻ và phân phối vẫn đang có kết quả kinh doanh tốt. Ông Trương Gia Bình cho biết, việc này được tính toán dựa trên lợi ích tốt nhất cho các cổ đông.
Đại diện Đoàn Chủ tọa cho biết, mục tiêu của công ty là làm sao tỷ lệ sở hữu sau khi thoái vốn là không hợp nhất báo cáo tài chính của công ty. Điều này có thể hiểu, FPT dự kiến thoái trên 51% tại Khối bán lẻ và phân phối.
Với chiến lược đẩy mạnh đầu tư vào 2 mảng chính, FPT đặt mục tiêu cao và sẽ diễn ra trong nhiều năm tới bằng kế hoạch sử dụng số tiền thu được để thực hiện các thương vụ M&A và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom.