Tập đoàn Trung Nguyên xác định, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chiến lược, trung tâm tiêu thụ sản phẩm cà phê khá lớn do có lợi thế về số dân, gần với Việt Nam và xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển từ trà sang cà phê.
Cà phê Trung Nguyên đã lường trước những rủi ro trong giao thương với Trung Quốc |
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp trên biển Đông do Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, sản lượng xuất khẩu của Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo ông Vũ, trong giai đoạn đầu ở thị trường Trung Quốc, sản phẩm của Trung Nguyên xuất qua đường tiểu ngạch đã bị ảnh hưởng, do tình hình cửa khẩu, đối tác tạm thời ngưng nhận hàng.
Tuy nhiên, sự thất thường trong quan hệ mua bán theo đường “tiểu ngạch” cũng nằm trong dự tính của Trung Nguyên và Trung Nguyên vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch, ổn định và bền vững hơn.
Mặc dù Trung Nguyên xác định xuất khẩu là một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh doanh, song Trung Nguyên không co cụm, lệ thuộc vào một vài thị trường mà còn luôn mở rộng và hướng tới những thị trường tiềm năng khác trên thế giới.
“Tuy rất coi trọng thị trường Trung Quốc, coi Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng trong xuất khẩu cà phê, nhưng rủi ro trong giao thương với thị trường này cũng nằm trong kế hoạch kinh doanh của Trung Nguyên”, ông Vũ nói.
Để ứng phó rủi ro này, Trung Nguyên đã chủ động mở rộng các thị trường có sự phát triển tương đồng, như ASEAN, Nga, Đông Âu, Úc, Trung Đông và các thị trường chiến lược khác như Mỹ, để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm cà phê Trung Nguyên ra thế giới.
Liên quan đến tình hình biển Đông, tại tọa đàm “Doanh nhân hướng về biển Đông” gần đây, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cũng đã thẳng thắn cho rằng, với những gì đang diễn ra trên biển Đông, ta có thể thấy Trung Quốc đang thể hiện là một “láng giềng” xấu tính, thường có những hành động cản trở Việt Nam phát triển.
“Cần nhận thức vấn đề không còn là tương quan giữa Trung Quốc với Việt Nam mà là Trung Quốc với toàn cầu, chúng ta với thế giới”, ông Vũ nói.
Ông Vũ cho rằng, trước biến cố này, giới doanh nhân hơn lúc nào hết cần xác định thế đứng chủ động trong chiến lược chinh phục thị trường trong nước và vươn ra thế giới; nhất là phải đóng góp cho xã hội trong tư cách một trí thức - doanh nhân - công dân.
“Mỗi thương hiệu, sản phẩm Việt càng phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, cùng với cộng đồng người tiêu dùng xác lập một lãnh thổ, một chủ quyền, một biên giới mềm bằng những cột mốc của hàng hóa, thương hiệu Việt, văn hóa Việt trên toàn cầu”, ông Vũ khẳng định.
Sơn Thắng