Quốc tế
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu vật liệu sản xuất chip: Mọi việc chỉ mới bắt đầu?
Đông Phong - 06/07/2023 13:51
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đối với kim loại dùng cho sản xuất chất bán dẫn "chỉ mới là một sự khởi đầu", theo Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo.
Một số “ông lớn” sản xuất chip xem động thái kiểm soát xuất khẩu gali của Trung Quốc như một “phát súng cảnh báo” về những thiệt hại kinh tế. Ảnh: Reuters

Các biện pháp đối phó có thể leo thang

Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo (2003 - 2008), một cố vấn chính sách thương mại có tầm ảnh hưởng của nước này, đưa ra nhận định trên vào ngày 5/7 trong bối cảnh đối đầu công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ có chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này.

Trung Quốc vào cuối ngày 3/7 đột ngột tuyên bố áp dụng các biện pháp kiểm soát từ ngày 1/8 đối với hoạt động xuất khẩu một số sản phẩm gali và germani. Ngoài chip máy tính tốc độ cao, hai loại kim loại này cũng được sử dụng trong sản xuất xe điện (EV) và cáp quang. Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các công ty đang phải tranh giành để đảm bảo nguồn cung vật liệu và ứng phó với giá vật liệu tăng cao.

Bình luận trên tờ China Daily vào ngày 5/7, cựu Thứ trưởng Wei Jianguo cho rằng các nước nên chuẩn bị tinh thần nhiều hơn nếu họ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc, đồng thời mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là "cú giáng nặng nề được cân nhắc kỹ lưỡng" và "chỉ là một sự khởi đầu".

"Nếu những hạn chế nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc vẫn tiếp diễn thì các biện pháp đối phó sẽ leo thang", cựu Thứ trưởng Wei Jianguo nói thêm. Ông Wei Jianguo hiện là Phó Chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, một cơ quan cố vấn do chính quyền nước này hậu thuẫn.

Các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc được công bố ngay trước ngày Quốc khánh Mỹ và trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Giới phân tích cho rằng đây rõ ràng là động thái đúng lúc để gửi một thông điệp tới chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn đang nhắm mục tiêu vào lĩnh vực chất bán dẫn của Trung Quốc và kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan áp dụng các biện pháp tương tự.

Động thái của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại rằng việc ban hành các lệnh hạn chế đối với xuất khẩu đất hiếm là điều có thể xảy ra, bởi lịch sử đã chứng kiến các biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp dụng 12 năm trước khi tranh chấp với Nhật Bản.

Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, một nhóm kim loại được sử dụng trong sản xuất xe điện và thiết bị quân sự.

Các nhà phân tích nhận định rằng tuyên bố hạn chế xuất khẩu hôm 3/7 là biện pháp đối phó thứ hai và lớn hơn của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung kéo dài. Trước đó vào tháng 5/2023, Bắc Kinh đã cấm cửa một số ngành công nghiệp quan trọng trong nước mua hàng từ nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ.

Trong bài xã luận đăng tải vào cuối ngày 4/7, tờ Global Times của Trung Quốc cho biết đây là một "cách thực tế" để nói với Mỹ và các đồng minh rằng những nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến hơn là một "tính toán sai lầm".

Khi được hỏi về động thái hạn chế xuất khẩu kim loại nêu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin hôm 5/7 cho rằng các hành động của chính phủ nước này là hợp lý và hợp pháp. Ông Wang Wenbin nói tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng hạn chế xuất khẩu một số hàng hóa liên quan.

"Hành động của chúng tôi không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào", ông Wang Wenbin khẳng định.

"Phát súng cảnh báo"

Một số "ông lớn" sản xuất chip xem động thái kiểm soát xuất khẩu gali của Trung Quốc như một "phát súng cảnh báo" về những thiệt hại kinh tế mà nước này có thể gây ra.

Nhiều ý kiến trước đó đã cảnh báo, nếu Trung Quốc thực sự muốn "tấn công" các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, họ có thể kiểm soát xuất khẩu than chì, bởi lẽ nước này sản xuất 61% than chì tự nhiên toàn cầu và 98% vật liệu được xử lý cuối cùng để tạo ra cực dương của pin xe điện, theo công ty phân tích thị trường xe điện Benchmark Mineral Intelligence (Vương quốc Anh).

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên tại một nhà sản xuất chip lớn của phương Tây cho biết động thái hạn chế xuất khẩu gali của Trung Quốc giống như một "thông điệp rằng họ có thể đáp trả hơn là có ý định giáng một đòn thật sự".

Trong một diễn biến liên quan, công ty khai khoáng quốc doanh Gecamines của Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết nhà máy mới của họ đi vào hoạt động trong tháng 9 tới, có thể giúp lấp đầy khoảng trống trong sản xuất germani.

Trong khi đó, Mỹ đang xem xét các hạn chế mới đối với việc vận chuyển vi mạch công nghệ cao sang Trung Quốc, sau một loạt các biện pháp hạn chế trong vài năm qua.

Mỹ và Hà Lan dự kiến cũng sẽ áp dụng thêm các hạn chế đối với việc bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, một phần trong nỗ lực ngăn chặn quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ của họ.

Một ngày sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp kiềm chế xuất khẩu nêu trên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia ngừng chia tách và tránh cắt đứt chuỗi cung ứng trong một bài phát biểu trực tuyến trước các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, truyền thông địa phương đưa tin.

Germani được sử dụng trong chip máy tính tốc độ cao, các thiết bị quân sự như thiết bị nhìn ban đêm cũng như cảm biến hình ảnh vệ tinh. Trong khi đó, Gali được sử dụng trong việc chế tạo radar và các thiết bị liên lạc vô tuyến, vệ tinh và đèn LED.

Cổ phiếu của một số công ty kim loại Trung Quốc như Yunnan Lincang Xinyuan Germanium Industry và Yunnan Chihong Zinc & Germanium hôm 5/7 chứng kiến phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp khi giới đầu tư đặt cược rằng giá gali và germani sẽ đi lên và kéo theo tăng trưởng doanh thu.

Gali ở độ tinh khiết 99,99% tại Trung Quốc được giao dịch ở mức 1.775 nhân dân tệ (tương đương 245 USD) mỗi kg trong ngày 4/7, không đổi so với ngày giao dịch trước đó, nhưng tăng lần lượt 6% theo tuần và 4% theo năm, theo dữ liệu được Refinitiv tổng hợp từ sàn giao dịch kim loại Thượng Hải. Tuy nhiên, mức giá gali hiện vẫn thấp hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, phôi germani của Trung Quốc có giá 9.150 nhân dân tệ/kg trong ngày 4/7, cũng không đổi trong ngày và trong tuần. Với mức giá này, phôi germani đã trượt giá 4% so với tháng trước, nhưng lại tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin liên quan
Tin khác