Quốc tế
Trung Quốc yêu cầu hạn chế bán khống hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán
Đông Phong - 24/01/2024 17:39
Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã yêu cầu một số quỹ phòng hộ hạn chế bán khống trên thị trường tương lai chỉ số chứng khoán, hai nguồn tin của Reuters cho biết.
Trung Quốc đang cân nhắc gói giải cứu 278 tỷ USD cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Reuters

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc tìm cách ổn định thị trường cổ phiếu đang giảm sâu. Cụ thể, chỉ số blue chip CSI 300 đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm qua, khiến chính phủ Trung Quốc phải đưa ra những cam kết mới nhằm ổn định thị trường vốn. CSI 300 là chỉ số chứng khoán đo lường vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A tại Trung Quốc.

Một nhà quản lý quỹ phòng hộ tiết lộ với Reuters rằng ông đã nhận được yêu cầu từ sở giao dịch hợp đồng tài chính tương lai của Trung Quốc về việc không được thực hiện bán khống liều lĩnh, đặc biệt là bán khống "trần trụi" vì mục đích phòng ngừa rủi ro.

Tương tự, một nguồn tin quỹ phòng hộ khác cho biết sở giao dịch hợp đồng tài chính tương lai của Trung Quốc gần đây đã yêu cầu một cách không chính thức quỹ này không được bán khống vì mục đích đầu cơ. Vị này cảnh báo: “Việc bán khống mang lại lợi nhuận khi thị trường sụt giảm”. “Nhưng nếu nhận được yêu cầu từ sở giao dịch, bạn sẽ được thông báo rằng không nên bán khống để kiếm lợi nhuận nữa”.

Sở giao dịch phái sinh tài chính Trung Quốc (CFFEX) đã không trả lời câu hỏi của Reuters liên quan đến vấn đề trên. Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng có động thái tương tự.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm 13% trong năm 2023 và tiếp tục trượt dốc kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh khối ngoại không ngừng bán tháo, khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng và đà phục hồi kinh tế chưa ổn định.

Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, Yi Huiman, hôm 23/1 tuyên bố sẽ dốc toàn lực để đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường vốn. Trong khi đó, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cam kết thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn để hỗ trợ niềm tin thị trường.

Theo Reuters, các cơ quan chức năng của Trung Quốc không nêu rõ các hạn chế cụ thể trong thông báo không chính thức, nhưng ám chỉ rằng các hoạt động bán khống đối với hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán sẽ phải hạn chế.

Các nguồn tin của Reuters cho biết, nhà đầu tư đã được khuyến khích giảm bớt tình trạng bán khống nghiêm trọng của họ càng sớm càng tốt.

Hợp đồng chứng khoán tương lai trong chỉ số small-cap CSI 1000 đáo hạn vào tháng 9/2024 đã giảm kịch trần 10% trong ngày 22/1 và lượng giao dịch giảm hơn 8%.

Đến nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong đã bốc hơi tổng cộng hơn 6.000 tỷ USD giá trị vốn hoá, so với đỉnh giá thiết lập năm 2021. Vấn đề này chỉ ra thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi tìm cách ngăn chặn sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Niềm tin vào thị trường Trung Quốc đã bị tổn thương trong vài năm trở lại đây do chính quyền nước này ngày càng thắt chặt kiểm soát đối với doanh nghiệp tư nhân, kể cả những “gã khổng lồ” công nghệ. Các ngân hàng quốc tế vốn đã lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn ở Trung Quốc, nay phải kiểm chế lại tham vọng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc trấn an các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước - những người bị thiệt hại do suy thoái bất động sản kéo dài của Trung Quốc - được xem là chìa khóa để duy trì ổn định xã hội.

Theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm cách huy động khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 278 tỷ USD) chủ yếu từ tài khoản ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, như một phần của quỹ bình ổn để mua cổ phiếu trong nước thông qua chương trình kết nối chứng khoán Hong Kong.

Trung Quốc cũng đã dành ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ từ các quỹ địa phương để đầu tư vào cổ phiếu trong nước thông qua công ty dịch vụ tài chính nhà nước China Securities Finance hoặc quỹ đầu tư quốc gia Central Huijin Investment.

Tin liên quan
Tin khác