Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, công tác thiết kế, chế tạo, mua sắm và xây lắp các hạng mục trong Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1 mà EVN đầu tư đang đảm bảo đúng tiến độ theo hợp đồng. Theo kế hoạch, Tổ máy số 1 sẽ phát điện thương mại vào tháng 10/2017, Tổ máy số 2 sẽ phát điện vào tháng 4/2018.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đặt mục tiêu phát điện Tổ máy 1 trong năm tới. Ảnh:T.H |
Tại Nhiệt điện Thái Bình 1, EVN đã tách ra một số hạng mục mà doanh nghiệp trong nước có thể đảm đương nhằm đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án điện. “Hiện tại, các gói thầu đang đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Dẫu vậy, chủ đầu tư cũng mong muốn địa phương quan tâm sát sao hơn trong giai đoạn kéo lưới điện để hoàn thành lưới điện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu truyền tải của hai nhà máy nhiệt điện tại đây”, ông Tài Anh nhận xét.
Liên quan đến nguồn vốn, EVN cho biết, Dự án không gặp khó khăn gì liên quan tiến độ đảm bảo vốn.
Cũng đang dốc sức đẩy nhanh tiến độ thi công, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có mục tiêu phát điện Tổ máy 1 trong năm 2017 và Tổ máy 2 vào năm 2018.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2015, tổng khối lượng công việc của Dự án đạt 59,59%, trong đó, công tác thiết kế đạt 92,54%, mua sắm đạt 98,89%, thi công đạt 32,72%.
Tới thời điểm này, có 154 chuyến hàng của nhà thầu Dealim và Sojitz đã về tới công trường, với khối lượng vật tư, thiết bị lên tới 79.000 tấn.
Tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, bao hơi Tổ máy 1 đã được lắp vào ngày 3/2/2015, sớm 45 ngày; bao hơi Tổ máy 2 lắp vào ngày 18/5/2015, sớm 32 ngày so với tiến độ. Hiện tại, nhà thầu đang tiếp tục triển khai lắp đặt các phần còn lại của kết cấu thép lò hơi, giàn ống sinh hơi, bộ quá nhiệt, bộ hâm nước, bộ sấy không khí, khử NOx.
Tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tổng khối lượng vốn vay nước ngoài đã ký là 937 triệu USD, trong đó nguồn vốn từ JBIC/NEXI là 141 triệu USD, KEXIM là 600 triệu USD và các ngân hàng thương mại khác là 196 triệu USD. Hiện tại, PVN đang đàm phán với các ngân hàng thương mại trong nước để thống nhất chi phí vay đối với khoản vay 4.600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, khoản vay này sẽ được PVN ký hợp đồng vay trong quý IV/2015.
Tính từ ngày khởi công tới nay, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã giải ngân được 18.959 tỷ đồng, đạt 55,3% trong tổng số vốn là 34.295 tỷ đồng. Riêng hợp đồng EPC đã giải ngân được 58,01%.
Để phục vụ vận hành sau này, Dự án đã tuyển dụng xong đợt 1 với 75 kỹ sư (trong đó, người dân Thái Bình trúng tuyển chiếm 65,3%) và đang chuẩn bị tuyển dụng công nhân vận hành trong tháng 10/2015.
Tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tổng giá trị các hợp đồng do nhà thầu trong nước thực hiện tới thời điểm này là 2.815 tỷ đồng, chiếm 14,81% tổng giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu của hợp đồng EPC.
Dẫu vậy, PVN cũng đang đối mặt với một số khó khăn ở Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc PVN, Dự án thực hiện trong thời gian có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách, đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, nên cần nhiều thời gian để trình, duyệt các thay đổi về thiết kế. “Giá trị hợp đồng EPC thấp hơn thực tế, giá vật liệu xây dựng, nhân công, ca máy, lương tối thiểu trong quá trình thực hiện dự án tăng so với thời điểm phê duyệt tổng mức đầu tư, trong khi tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa được phê duyệt, dẫn đến khó khăn về chi phí thực hiện Dự án”, ông Dũng cho biết thêm.
Với tư cách là nhà thầu phụ tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho hay, nếu trong 2 tháng tới mà cơ quan hữu trách không phê duyệt tổng mức đầu tư và chủ đầu tư không làm tốt giải ngân thì các nhà thầu có nguy cơ dừng thi công vì các hạn mức vay ngân hàng của các công ty thi công đã kịch trần.
Sau khi thị sát và nghe báo cáo của các chủ đầu tư, nhà thầu của hai dự án nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý rằng, đây là giai đoạn hết sức quan trọng của các công trình, nên trong thi công phải khẩn trương, giữ vững tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình theo đúng kế hoạch đề ra.
Đánh giá cao ý nghĩa kinh tế - xã hội của các dự án trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư chú trọng công tác vận hành, quản lý, đào tạo, sử dụng lao động địa phương, xử lý vấn đề bụi, tiếng ồn trong thi công, xử lý tro xỉ, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đời sống dân sinh.
“Với dự án nhiệt điện than, khâu thí nghiệm, chạy thử để đưa vào vận hành ổn định có thể phát sinh dài hơn kế hoạch, thậm chí có những dự án nhiệt điện than mất 1 - 3 năm mới ổn định. Vì vậy, dù tiến độ các dự án đang có dự phòng, nhưng chủ đầu tư và các nhà thầu phải liên tục sát sao, thúc đẩy tiến độ”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu chủ đầu tư hai dự án cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân sở tại tới thăm quan dự án, truyền thông mạnh mẽ về công nghệ, quy trình vận hành để nhân dân hiểu biết rõ ràng hơn về hoạt động của dự án.