Ảnh minh họa (Internet) |
Lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư
Theo một báo cáo gần đây của KPMG về dữ liệu số, Việt Nam đứng thứ 7/10 về tiềm năng xây dựng những trung tâm cho thuê chỗ đặt máy chủ tại các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu và dự kiến sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2026.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cách triển khai hệ thống máy chủ của mình bằng cách đặt chúng trong các trung tâm dữ liệu thay vì tại văn phòng. Xu hướng này không chỉ giúp giải phóng doanh nghiệp khỏi các tác vụ không cần thiết, mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư và nhân sự vận hành.
Bà Meir Tlebalde, Giám đốc khối Mua bán và Sáp nhập (M&A) của KPMG tại Việt Nam, cho rằng, việc đầu tư trung tâm dữ liệu thường có xu hướng diễn ra ở các thị trường cấp 1, nơi quốc gia phát triển có đầy đủ hạ tầng tiên tiến và cũng là những trung tâm kinh tế lớn của thế giới, như Singapore, Hồng Kông, Sydney và Tokyo. Những thành phố này chiếm khoảng 82% tổng công suất trung tâm dữ liệu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Tuy nhiên, các thị trường cấp 1 đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đất đai để mở rộng và chi phí năng lượng, xây dựng cao, cũng như các khung pháp lý về tính bền vững và quyền riêng tư dữ liệu ngày càng gắt gao. Với tốc độ số hóa nhanh chóng, Đông Nam Á nổi lên như một miền đất hứa với nhiều lợi thế như tài nguyên đất dồi dào, chi phí cạnh tranh - bởi vậy, khu vực này đã trở thành điểm đến đầu tư trung tâm dữ liệu hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại”, bà Tlebalde chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Còn nhiều thách thức
Theo bà Tlebalde, một số động lực tăng trưởng chính cho thị trường thuê chỗ đặt máy chủ của Việt Nam là do chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu cực kỳ cạnh tranh, có thể coi là thấp nhất ở Đông Nam Á. Ngoài ra, hệ thống Internet mạnh, nguồn điện cũng ở mức giá rất hợp lý so với các quốc gia láng giềng và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng. Về khả năng kết nối, Việt Nam được xếp hạng thứ 39 trên toàn cầu về tốc độ tải xuống băng thông rộng cố định.
Cùng với việc Chính phủ cam kết thực hiện chính sách phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành thị trường trung tâm dữ liệu thân thiện với môi trường để đầu tư trong những năm tới.
Tới tháng 4/2023, cả nước có 28 trung tâm dữ liệu với tổng diện tích khoảng 108.700 m2. Hà Nội và TP.HCM là hai địa điểm lớn với số trung tâm lần lượt là 11 và 13. Thị trường tập trung với 11 nhà khai thác, trong đó 5 nhà khai thác lớn nắm giữ 89% tổng không gian điện toán của cả nước.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, những thách thức lớn đối với sự phát triển ở Việt Nam là cần có khung pháp lý rõ ràng và hợp lý, cùng với việc cần nâng cao tính ổn định của các nguồn năng lượng.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của quy trình cấp phép xây dựng cần được xác định rõ ràng, trong khi chi phí tài chính cao và các vấn đề về thanh khoản cũng gây trở ngại cho nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Chris Wallace, Trưởng bộ phận Trung tâm Dữ liệu và Cơ sở quan trọng khu vực APAC của Mace Group - một trong những tập đoàn toàn cầu chuyên về tư vấn và xây dựng, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, vị trí chiến lược của Việt Nam và quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.
Theo ông Wallace, một trong những cái tên nổi bật trong việc các tập đoàn công nghệ lớn sử dụng trung tâm cơ sở dữ liệu để tăng cường năng suất chính là Google. Ngoài ra, với kinh nghiệm quốc tế, ông Wallace cũng cho biết đã từng làm việc với Microsoft, AWS và một số công ty Trung Quốc về việc thành lập những cơ sở trung tâm dữ liệu tiên tiến, phù hợp đáp ứng được yêu cầu cụ thể của các doanh.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu thị trường Việt Nam, ông Wallace cho rằng, hiệu quả về sử dụng năng lượng một cách hợp lý đã trở thành trọng tâm chính.
“Làm mát bằng không khí truyền thống, mặc dù phổ biến, nhưng đã được chứng minh là không hiệu quả với trung tâm cơ sở dữ liệu thế hệ mới. Nhận thức được điều này, chúng tôi khuyến khích xem xét các phương pháp thay thế có thể mang lại giải pháp làm mát tiết kiệm không gian và tiết kiệm chi phí,” ông nói.
Khi lựa chọn sử dụng dịch vụ về cơ sở lưu trữ dữ liệu, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài, thường ưu tiên lựa chọn cơ sở đã được trang bị đầy đủ, dịch vụ trọn gói từ nhà cung cấp, như hạ tầng truyền dẫn tốc độ cao và hệ thống camera giám sát hoạt động nghiêm ngặt… để doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động chính.