Mùa xuân Bính Thân này, nhìn đời sống của nhân dân ngày càng vui tươi, no ấm, với những tiện nghi sinh hoạt hiện đại ngày càng trở nên quen thuộc, nhìn vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, mà suy ngẫm lại, hồi tưởng lại mới cảm thấy bồi hồi về những mùa xuân “no tự hào, đói gạo cơm” thuở nào…
*
Bốn mươi năm về trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam giành thắng lợi là một trong những chiến công vĩ đại đối với lịch sử đấu tranh của nhân dân tiến bộ thế giới, thế kỷ XX. Đối với dân tộc ta, đây thực sự là bản anh hùng ca hoành tráng nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm ở thời đại Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn và vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nói chung, đưa lịch sử dân tộc bước sang một trang hoàn toàn mới với những giá trị vĩnh hằng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước tự tin bước vào tiến trình đổi mới. Ảnh: Đức Thanh |
Bốn mươi năm về trước, khi đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ lên mười. Mười tuổi. Có lẽ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, thì tất cả những khái niệm cao cả, như ý thức công dân, lòng tự hào dân tộc, hay niềm vui chiến thắng… đều còn quá nhỏ nhoi, bấy bớt để có thể nói một điều gì thật chân thành và nghiêm túc. Thế nhưng, khi nghe chiếc loa đầu phố vang lên tin chiến thắng cùng với những lời ca đầy hào sảng, thì lòng cũng chợt thấy rộn ràng, và nước mắt cũng ứa ra như bất kỳ ai... Niềm vui vốn là thứ có sức lan truyền, huống hồ đây lại là một niềm vui lớn của cả một dân tộc, nên cũng mau chóng trở thành niềm vui trong mọi gia đình…
Hai mươi năm sau, sinh đứa con đầu lòng, cũng lại là một niềm vui lớn của riêng mình. Sự đồng điệu của những khát khao rộng lớn như đánh thức dậy cảm giác chứa chan của hai mươi năm về trước, khiến lòng chợt bật lên một tứ thơ:
…Cha muốn nhắc lại lời một người mẹ đã nói với con mình bên Hồ Gươm hai mươi năm trước - Tổ quốc này vĩnh viễn của con…
*
Khác với các thế hệ cha anh đã đi qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ tận trong gan ruột, thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh chỉ như đi qua tấm áo khoác ngoài của nó, với ấn tượng là những ngày sơ tán gian truân mà thơ mộng, với những mất mát, thương đau xa vời vợi như từ trên trời đổ xuống, hay gần hơn thì cũng chỉ là những cuộc tiễn đưa nhuốm màu bi tráng trong một tâm trạng đầy háo hức và ghen tị… Thế nhưng, thời gian trôi qua, tấm áo khoác đó càng ngày càng trở nên chật chội, phô bày, để rồi cuối cùng cũng như bao tâm hồn Việt Nam khác, cuộc chiến tranh ấy đã dần dần trở thành nỗi bận tâm, day dứt, khắc khoải mỗi ngày. Vậy nên, đến ngày chiến thắng, cho dù mới chỉ là một đứa trẻ, lòng vẫn thấy nhẹ bỗng, vẫn thấy trào lên một niềm tự hào và mãn nguyện. Và cũng bởi vậy nên khi một tiếng thốt bất chợt cất lên, cùng với những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra từ tận đáy lòng của một người mẹ bên Hồ Gươm trong phút giây vui sướng tột cùng năm ấy, đã như vô tình ăn sâu vào trí óc non nớt, để đến hôm nay chợt bật lên với con mình…
Mới đó mà giờ đã lại thêm một lần nữa 20 năm. Nhìn con tôi tuổi đôi mươi ngày ngày hòa vào dòng người tấp nập trên đường, lòng đôi lúc chợt thoáng chút băn khoăn. Không hiểu những đứa trẻ sinh ra trong trọn vẹn hòa bình như nó có hiểu hết ý nghĩa cũng như giá trị của hai từ này không nhỉ?... Ai chẳng hiểu sinh ra trong hòa bình vốn là một đặc ân mà con người có quyền được hưởng. Nhưng nếu không hiểu hết cái giá của hòa bình thì lại hóa vô ơn…
*
Vậy là, cho đến hôm nay, chúng ta đã đi được một chặng đường bốn mươi năm trong hòa bình, độc lập và thống nhất trọn vẹn, đi qua ba mươi năm trăn trở đổi mới, và xa hơn nữa, là qua bảy mươi năm gian lao mà anh dũng, vượt qua vô vàn những thời khắc gian nan để chiến thắng, để vươn lên và để hội nhập… Quãng thời gian ấy là cả một thời kỳ, cả một thế hệ. Quãng thời gian ấy cũng là một độ lùi cần thiết đủ để trôi qua tất cả những gì mong manh, nhè nhẹ, thậm chí cả những gì xôn xao, gờn gợn cũng có thể đã qua. Song cũng là khoảng thời gian đủ để xem hết thảy những gì còn đọng lại giống như những trầm tích bền bỉ của cuộc đời. Ắt phải có những giá trị của nó…
*
Năm 2016 là năm bản lề của rất nhiều vấn đề, cả chính trị, kinh tế và văn hóa. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ là một sự kiện chính trị trọng đại trong đời sống xã hội để đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới. Nếu như 70 mùa xuân qua, Nhà nước ta luôn đề cao nguyên tắc thực hiện một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” và thời gian đã khẳng định tính đúng đắn của nó về mặt triết lý. Song cũng theo thời gian, đã có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đã bị tha hóa, biến chất, gây nên những hậu quả cả về kinh tế lẫn lòng tin của nhân dân…
Bước vào năm mới, trước những vận hội và thách thức mới, điều đáng mừng nhất là việc đổi mới thể chế kinh tế đang được triển khai cùng với đổi mới thể chế chính trị và đang nhận được sự đồng thuận cao, thậm chí rất cao của mọi tầng lớp nhân dân. Điều này đã chứng minh cho sự cầu thị của Nhà nước ta khi bước vào công cuộc đổi mới với quyết tâm cao. Nhưng những nỗ lực điều chỉnh của Chính phủ trong thời gian vừa qua cũng cho thấy sự cầu thị, biết lắng nghe, biết thừa nhận sai sót, dám nhìn thẳng vào thực trạng yếu kém trong bộ máy công quyền để dũng cảm cắt bỏ và tự hoàn thiện bằng luật pháp và thực sự đổi mới thể chế đang tạo ra nguồn năng lượng quý báu cho mùa Xuân mới.
Năm 2015 qua đi trong nhiều biến động phức tạp của toàn cầu. Đặc biệt là những vấn đề căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, mà đi liền với đó là những hệ lụy về kinh tế, như xuất nhập khẩu, xây dựng, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng theo đó mà ảnh hưởng, khiến cho nền kinh tế của hai nước nói riêng và khu vực nói chung không thể không chịu những tác động tiêu cực. Thế nhưng, Việt Nam vẫn là nước có mức tăng trưởng ổn định. Trong quá trình hội nhập, chúng ta bắt đầu phải chấp nhận cuộc chơi chung của các FTA và tới đây là TPP bao gồm các quốc gia ven Thái Bình Dương. Điều này cũng có nghĩa, sự cạnh tranh sẽ khốc lệt hơn, nhưng cũng sẽ minh bạch hơn. Lợi – hại sẽ song hành với nền kinh tế, mà cụ thể là sẽ có nhiều thương hiệu Việt bị bóp chết vì không còn được bảo trợ bằng thuế... Những thế mạnh mà nhiều năm qua vẫn là lực đẩy tăng trưởng như nguồn nhân lực rẻ, đất đai và tài nguyên sẽ giảm dần. Vì vậy, đến lúc phải cần đến thế mạnh trí tuệ sáng tạo và tư cách của con người.
*
Đất nước được tạo dựng, bảo vệ và phát triển bằng xương máu và nước mắt của biết bao thế hệ con người Việt Nam. Được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, chúng ta càng không được phép quên những tháng năm ác liệt ấy. Hôm nay, bước vào năm 2016, trước những biến động căng thẳng, phức tạp của thế giới cũng như của khu vực mà chúng ta đang phải đối mặt, 93 triệu người Việt Nam đều nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình đối với những thành tựu mà mình đang nắm trong tay, cũng như ý nghĩa của sự yên bình, tốt lành của mùa Xuân mới đang về. Và trong không khí ấm nồng của mùa xuân yên bình, dẫu vẫn còn những nghèo khó, vẫn còn những điều chưa thật hài lòng, nhưng trong mỗi gia đình, từ mỗi cá nhân, từ chốn thị thành đến biên cương hải đảo đều đã thấy toát lên vẻ đẹp của một mùa Xuân thanh thản, đầy tự tin vào chặng đường đang thực sự đổi mới của đất nước...