Doanh nghiệp
Trương Thanh Hoài, Giám đốc điều hành mediThank: Tin ở trực quan của mình
Hồng Phúc - 07/11/2016 09:16
Vấp phải vô vàn khó khăn khi bắt tay vào xây dựng ứng dụng hồ sơ y khoa online mediThank, nhưng anh Trương Thanh Hoài luôn tin vào trực quan của mình và rằng, con đường tốt nhất là con đường mới chưa ai dám thử.

Ý tưởng khùng điên

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành marketing, như bao người, anh Hoài cũng đi làm công ăn lương tại một số công ty. Tuy nhiên, dần dần, anh cảm thấy nhàm chán với việc 8 giờ sáng xách cặp đi, 5 giờ chiều xách cặp về và cần làm điều gì đó thay đổi. Trước những tin tức về sự khổ sở của người bệnh khi đến khám tại các bệnh viện, đôi khi còn xảy ra phản ứng ngược vì bác sĩ chưa nắm được hết tiền sử của bệnh nhân, trong đầu anh le lói ý tưởng sáng tạo một ứng dụng có thể thay đổi thực tế này.

Khi bắt tay vào việc, anh mới biết mọi thứ không dễ dàng như mình nghĩ. Trong vô vàn những thông tin không rõ ràng, anh không định hình được phải bắt đầu từ đâu, làm việc như thế nào. Trước đó, anh từng khởi nghiệp với nhiều dự án như chuỗi cửa hàng mỹ phẩm tươi, hệ thống “chợ xe kiểu Mỹ”…, nhưng tất cả đều dang dở vì một số lý do về vốn, nhân lực.

Khởi nghiệp với mediThank, Trương Thanh Hoài vẫn vấp phải những khó khăn thường gặp của hầu hết các start-up là vốn, kinh nghiệm, nhân sự…

Với lần khởi nghiệp này, anh vẫn vấp phải những khó khăn của hầu hết các start-up, đó là niềm tin của xã hội, vốn, kinh nghiệm, nhân sự… Nhiều người cho rằng, anh khùng điên khi muốn thay đổi thực trạng ngành y tế còn quá nhiều bất cập của nước nhà. Tuy nhiên, sự kiên trì và quyết tâm sắt đá không cho phép anh bị lung lay bởi những lời chê trách ấy.

Tìm hiểu về hồ sơ y khoa online, anh mới biết, trên thế giới cũng chưa có bất kỳ đơn vị nào sở hữu ứng dụng này. Điều đó khiến ý tưởng của anh càng khó trở thành hiện thực, bởi không có người đi trước để học hỏi, nhưng nó lại tạo cho anh sự hứng khởi với cơ hội trở thành người tiên phong.

“Tôi mất 15 ngày liên tục để viết ra một cái sườn về ứng dụng này dài 50 trang. Tôi bị nó ám ảnh hằng đêm, bất cứ khi nào nảy ra ý tưởng là tôi đều bật dậy và ghi chép lại”, anh Hoài nói và cho biết, rất khó phát triển cái mới trong một tổ chức lớn, nhưng càng khó hơn nếu làm việc đó một mình.

Nhờ các mối quen biết, anh đã kết nối được với một số sinh viên y khoa có kiến thức chuyên môn, sử dụng tiếng Anh tốt, nắm được một số kỹ thuật công nghệ… Điểm chung ở họ là đều hướng đến một dịch vụ mang lại giá trị xã hội cao hơn là việc chỉ nhằm đến lợi nhuận. “Tôi không nhớ đã bao lần phải đập bỏ các hệ thống và xây dựng lại. Thật may là tôi tìm được những người cùng chung chí hướng, sẵn sàng nhận dự án của tôi với mức kinh phí rất thấp”, anh Hoài chia sẻ.

Còn nhiều đắn đo

Sau gần 2 năm xây dựng và thử nghiệm, mediThank (ghép từ “medical” và “thank you”) - Dịch vụ Hồ sơ y khoa online của Thanh Hoài vừa được đưa vào vận hành với 2 phiên bản: tiếng Việt và tiếng Anh. Ứng dụng này được ví như cuốn cẩm nang y khoa tổng hợp tiện lợi cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc tra cứu bệnh lý, phác đồ điều trị. Đây cũng là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu y khoa của một con người trên Internet. Người sử dụng có thể chủ động cập nhật thông tin theo nhu cầu, thay vì phụ thuộc vào bệnh viện hay bác sĩ như một số ứng dụng khác.

“Nếu đơn thuần chỉ là lưu trữ dữ liệu thì trên thị trường có hàng trăm ứng dụng miễn phí. Nhưng với mediThank, dữ liệu được lưu trữ, sắp xếp để trở nên có giá trị, chứ không phải chỉ cập nhật xong để đó. Chúng tôi xác định dữ liệu y khoa là thông tin cực kỳ nhạy cảm của từng thành viên, chỉ nên được quan tâm, tham khảo bởi những người liên quan và không được kinh doanh quảng cáo trên dạng dữ liệu này”, anh Hoài chia sẻ.

Các bác sĩ có thể tham khảo thông tin bệnh nhân trước khi khám, chữa bệnh. Và nếu có thể, bệnh nhân không nhất thiết phải thực hiện lại tất cả các xét nghiệm, chụp phim... khi đi khám chữa bệnh ở cơ sơ khác. Điều này phần nào giúp giảm chi phí và thời gian cho người bệnh. Đó là chưa kể những thông tin sức khỏe cơ bản (như nhóm máu, trọng lượng, người thân…) cũng đều được đề cập trong hồ sơ y khoa online, giúp liên hệ trong những trường hợp khẩn cấp.

Hiện mediThank có 2 phiên bản: phiên bản quốc nội: www.medithank.vn và phiên bản quốc tế: www.medithank.com. Khi đăng ký dịch vụ, khách hàng sẽ có 2 lựa chọn: dữ liệu y khoa chỉ hiện hữu trên bản quốc nội hoặc trên cả 2 phiên bản. Đây là yếu tố vô cùng hữu ích cho những người thường xuyên đi công tác, du lịch nước ngoài, hoặc những bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài.

MediThank cũng có nhiều nhóm phân loại như “Nhóm Gia đình” giúp mỗi thành viên theo sát sức khỏe của người thân (con trẻ, ông bà); “Quyền Riêng tư” giúp từng thành viên chủ động kiểm soát đối tượng và thời gian tham khảo dữ liệu y khoa của mình;  “Tiêm chủng ngừa” giúp ghi nhận tất cả những loại tiêm chủng ngừa với lịch trình và ghi chú cụ thể cho con trẻ.

Anh Hoài đã không ít lần tiếp cận các bệnh viện tại Việt Nam để mời sử dụng dịch vụ này, nhưng luôn nhận được những cái lắc đầu từ chối. “Tiếp xúc với 3 bệnh viện công và đều bị từ chối khiến tôi nản ghê gớm. Nhưng các bác sĩ trẻ từng đi học ở nước ngoài lại rất ủng hộ tôi. Đó là món quà tinh thần rất quan trọng để tôi biết mình đang đi đúng hướng và tiếp tục cháy hết mình”, anh Hoài cho biết.

Giờ đây, số vốn khoảng 1 tỷ đồng đầu tư vào mediThank đã gần cạn. Khi được hỏi về việc tìm kiếm nhà đầu tư, anh cho biết vẫn còn đắn đo rất nhiều. Anh quan niệm, thà mình là một phần nhỏ trong miếng bánh to, còn hơn là một phần to trong miếng bánh nhỏ. Vì vậy, việc tìm kiếm quỹ là cần thiết, nhưng mediThank còn như một cô gái mới lớn, phải “chăm sóc” sao để khoảng 1-2 năm nữa sẽ có người cưới về.

Ở khía cạnh khác, anh Hoài còn đắn đo giữa giá trị xã hội và giá trị kinh tế mà mediThank mang lại. Nhiều nhà đầu tư thường đặt mục tiêu tìm kiếm, cấp vốn và hưởng lợi nhuận từ công ty khởi nghiệp. Nhưng nếu có quỹ đầu tư vào mediThank thì triết lý kinh doanh đó sẽ khác và nhiều khả năng sẽ dẫn đến mâu thuẫn.

Sắp tới, Thanh Hoài sẽ đẩy mạnh xúc tiến hợp tác với các bệnh viện tư nhân và tìm kiếm các đối tác để hợp tác triển khai dịch vụ mediThank. Anh cũng muốn phát triển ứng dụng này tại các quốc gia không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đoạn đường phía trước còn rất dài và chông gai, nhưng anh Hoài tin tưởng rằng, khi anh tin vào trực quan của mình thì mọi thứ còn lại không là gì cả.

Tin liên quan
Tin khác