Tiêu dùng
Truy tìm nguyên nhân khiến chi nhập khẩu rau quả vượt mốc tỷ USD
Thế Hải - 08/09/2017 17:31
Chi nhập khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2017 đạt hơn tỷ USD, tăng 93,7% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này được tiêu thụ trong nước, còn lại là tạm nhập để tái xuất sang Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT cho biết, phần lớn trái cây Thái Lan nhập về Việt Nam theo dạng tạm nhập để tái xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2017, cả nước đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu rau quả, tăng 93,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, mặt hàng quả đạt 809 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016, và mặt hàng rau ước đạt 190 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ.

Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong những tháng đầu năm 2017 là thị trường Thái Lan chiếm gần 62% tổng kim ngạch nhập khẩu, tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 16%. Trong đó, thị trường tăng mạnh nhất là Thái Lan (gấp 3,2 lần), Ấn Độ (gấp 2,2 lần) và New Zealand (tăng 53,5%).

Là nước nông nghiệp nhưng trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã chi nhiều tiền để nhập các loại rau củ quả từ nước ngoài, phục vụ tiêu dùng trong nước.

Từ mức 200 triệu USD nhập mỗi năm, hiện kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tới ngưỡng 1 tỷ USD.

Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở dĩ nhập khẩu trái cây từ Thái Lan vào nước ta tăng vọt so với các năm trước là do tạm nhập sau đó tái xuất sang Trung Quốc, phần để tiêu thụ tại nội địa không nhiều.

Được biết, Việt Nam nhập khẩu trái cây từ Thái Lan chủ yếu trái bòn bon, măng cụt, nhãn, mít, nhập khẩu cam, lê, kiwi, cherry từ New Zealand, Australia, còn rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo...

“Chúng tôi đã kiểm tra số liệu đầu nhập khẩu vào và đầu xuất khẩu đi qua cửa khẩu Lạng Sơn và hầu hết là tái xuất. Đó là lý do vì sao lượng quả tươi từ Thái Lan sang Việt Nam tăng vọt”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, nhập khẩu rau quả tăng mạnh do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế.

Tin liên quan
Tin khác