Viễn thông - Công nghệ
Truyền hình trả tiền mở “mặt trận” mới
Hữu Tuấn - 04/04/2017 07:23
Thuê bao rời mạng, lợi nhuận thấp, cạnh tranh hạ giá giữa các nhà đài… là những thách thức hiện hữu đè nặng lên vai các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.

Kinh doanh truyền hình trả tiền ngày càng khó

Năm 2016, cả ngành truyền hình trả tiền với 30 doanh nghiệp đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng. So với năm 2015 mới đạt 9.624 tỷ đồng thì việc tăng trưởng doanh thu 2.376 tỷ đồng là một con số rất tích cực.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đài phải đầu tư rất lớn vào hạ tầng, makerting, mua bản quyền, khấu hao… nên lợi nhuận ngày càng sụt giảm, doanh thu trên từng thuê bao/năm giảm sâu.

K+ đã giới thiệu dịch vụ truyền hình OTT có tên là MyK+ NOW

Điển hình là Công ty TNHH Truyền hình cáp Sài Gòn Tourist (SCTV). Năm 2016, SCTV đã đầu tư mạnh vào hạ tầng mạng viễn thông và đã phủ sóng đến hơn 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với chiều dài hơn 6.600 km cáp quang.

Chính vì vậy, dù tăng trưởng thuê bao đứng đầu ngành với 2 triệu thuê bao mới (năm 2015 là 2,5 triệu thuê bao), nhưng doanh thu của SCTV lại giảm. Năm 2016, doanh thu của SCTV chỉ đạt 3.420 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2015 chỉ với 2,5 triệu thuê bao, SCTV đạt doanh thu hơn 3.600 tỷ đồng.

Hàng loạt nhà đài lớn khác đều có trên 1 triệu thuê bao như Truyền hình K+, MyTV của Tập đoàn VNPT, MobiTV của MobiFone, Truyền hình Viettel đều trong tình trạng tương tự khi đầu tư lớn, thuê bao tăng trưởng, doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm. Còn riêng khối các doanh nghiệp truyền hình trả tiền thì luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”, thua lỗ triền miên.

Cạnh tranh bằng phát triển truyền hình OTT

Thuê bao “nhảy mạng”, “rời mạng” là vấn đề gây đau đầu với các nhà đài, ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh của họ.

Theo đại diện SCTV, năm 2016, số thuê bao rời mạng của nhà đài này ước khoảng 25% số thuê bao phát triển mới. Trước tình hình các nhà cung cấp viễn thông nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền với các chính sách khuyến mãi rất lớn, thì thuê bao rời mạng càng nhiều.

Còn ở VTC, ông Đàm Mỹ Nghiệp, Tổng giám đốc VTC cho biết, tốc độ phát triển thuê bao mới trong những năm gần đây của VTC rất thấp, tỷ lệ thuê bao rời mạng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong thời gian tới.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, trong dịch vụ truyền hình trả tiền, các nhà mạng chỉ mua nội dung và bán thuê bao bị thiệt thòi hơn so với nhà đài rất nhiều. Do các nhà đài có lợi thế vì được sản xuất nội dung và có được doanh thu từ quảng cáo rất lớn, họ có thể lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù chéo, giảm giá thuê bao. Trong khi những nhà mạng kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp, IPTV không có giấy phép sản xuất nội dung, không có nguồn quảng cáo bù vào doanh thu, do đó xét về cấu trúc giá cước sẽ bị thiệt thòi hơn các nhà đài rất nhiều.

Trước tình trạng truyền hình IPTV trên đà đi xuống cả về doanh thu, thuê bao, lợi nhuận, Tập đoàn VNPT đã chuyển hướng phát triển dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT) với tên gọi TVOD.

Từ năm 2016 đến nay, SCTV, VTVcab, K+, VTC cũng đã nhập cuộc với hàng loạt dịch vụ truyền hình OTT được tung ra sau một thời gian thử nghiệm miễn phí.

VTC có VTC Play, K+ có MyK+ NOW, SCTV với SCTV VOD, VTVcab có VTVcab ON… có thu phí với mức từ 20.000 - 125.000 đồng, tùy nhà đài, gói cước. Với giao thức truyền hình mới này, khách hàng trả phí là có thể xem được ở bất kỳ đâu các chương trình của nhà đài trên các thiết bị đầu cuối như smartphone, tablet, laptop…

Trong bối cảnh doanh thu truyền hình trả tiền truyền thống suy giảm, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu cao của người dùng, truyền hình OTT được các nhà đài xác định là “mặt trận mới”, giúp họ vượt lên, cạnh tranh với các đối thủ trong ngành.

Tin liên quan
Tin khác