Ngân hàng - Bảo hiểm
TS. Cấn Văn Lực: 4 tác động của việc Fed tăng lãi suất tới thị trường Việt Nam
Thùy Liên - 17/12/2015 09:36
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trao đổi nóng với TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc BIDV về những tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất lên 0,25% đối với thị trường Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc Fed tăng lãi suất đối với Việt Nam?

Theo tôi, việc Fed tăng lãi suất lên 0,25% cơ bản sẽ có tác động lên bốn lĩnh vực tại Việt Nam.

Thứ nhất, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như năm 2016. NHNN đã khẳng định quyết tâm giữ tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016 để  đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa, và khi đó, các nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, nhất là các nước có mối quan hẹ thương mại, đầu tư với Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực

Tác động thứ hai là nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng lên do cấu trúc nợ của chúng ta  liên quan nhiều đến đồng USD. Dĩ nhiên, khi lãi suất đồng USD tăng có thể sẽ khiến lãi suất hoặc tỷ giá một số đồng tiền khác (ví dụ euro) giảm, do đó tác động chung về nợ nước ngoài sẽ không lớn, song lãi suất USD tăng sẽ khiến lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng lên. Cũng như vậy, nợ của DN vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ tăng, làm chi phí vốn vay của DN trở nên đắt đỏ hơn.

Tác động thứ ba là dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Năm vừa qua, lường trước khả năng tăng lãi suất của Fed, dòng vốn đầu tư đã có dấu hiệu chuyển ra khỏi  các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Tác động thứ tư, mới đây, đồng nhân dân tệ (CNY) đã được đưa vào rổ tiền tệ thế giới. Do đó, việc Fed tăng lãi suất cùng với sự kiện trên sẽ làm cho chính sách tiền tệ của Trung Quốc năm tới sẽ rất linh hoạt, đỏi hỏi NHNN phải bám sát động thái thị trường thế giới, nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, Trung Quốc để có những điều chỉnh kịp thời.

Thưa ông, NHNN đã cam kết sẽ giữ ổn định tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, ông có cho rằng, NHNN nên điều chỉnh tỷ giá sớm hơn?

Quan hệ cung cầu ngoại tệ hiện nay cơ bản ổn định, cầu ngoại tệ có tăng lên vào dịp cuối năm nhưng cung ngoại tệ dồi dào nên tỷ giá hoàn toàn có khả năng ổn định đến vài tháng đầu năm sau. Nhưng như tôi đã nói, năm 2016, áp lực với tỷ giá rõ ràng là rất lớn và NHNN cần theo dõi sát thị trường, cần điều chỉnh linh hoạt.

 Linh hoạt được hiểu ra sao, thưa ông? Liệu NHNN có nên tiếp tục đưa ra cam kết tỷ giá cho năm tới?

Linh hoạt được hiểu ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, giả sử nếu NHNN tiếp tục đưa ra cam kết tỷ giá ở mức bao nhiêu trong năm 2016 thì cũng phải đi kèm điều kiện thị trường, ví dụ cam kết tỷ giá đó trong điều kiện thị trường không biến động lớn.

Thứ hai, linh hoạt hơn ở góc độ phải bám sát chính sách tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam để có những điều chỉnh sát các nước.

Thứ ba, có thể neo tỷ giá theo rổ tiền tệ thay vì neo theo đồng USD.

Thứ tư, có thể đa dạng hóa thêm quỹ dự trữ ngoại hối, cụ thể, có thể xem xét bổ sung dự trữ đồng nhân dân tệ vào thời điểm phù hợp.

Thứ năm, liên quan đến biên độ giao dịch, hiện biên độ là +/-3% nhưng NHNN có thể nới lên một chút nữa nếu cần thiết, dĩ nhiên không cần nới rộng biên độ lên đến 5-6%.

Tin liên quan
Tin khác