TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV |
Tại Tọa đàm "Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen" do Báo Đầu tư tổ chức sáng này (15/3), TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh, nhất là trong khoảng 20 năm vừa qua. Độ sâu tài chính được thể hiện qua quy mô của tín dụng được cung ứng bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến 7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 131% GDP tính đến cuối năm 2018.
Trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.
Tài chính tiêu dùng nên được hiểu là một phần của tín dụng tiêu dùng. Theo đó, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 1990, khi lĩnh vực cho vay này được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng.
Kênh tín dụng tiêu dùng giảm bớt tín dụng đen, góp phần làm thị trường tài chính phong phú hơn. Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Như đã nêu trên, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018, khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.
Thứ hai, quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen là không công bằng.
Thứ ba, kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế.
Thứ tư, đà tăng trưởng cũng như hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại.
Thứ sáu, các công ty tài chính cần quan tâm, tăng cường quản lý rủi ro, đào tạo cán bộ.
Từ thực trạng và thách thức trên, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số gợi ý:
Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, nhằm đồng bộ hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (có thể dạng thí điểm - sandbox) đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng…
Thứ ba, tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của một số ít công ty tài chính lớn hiện nay.
Thứ tư, tăng cường giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, đặc biệt là về các sản phẩm tài chính tiêu dùng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Thứ năm, các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn …
Thứ sáu, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững; các công ty tài chính cần quan tâm, tăng cường quản lý rủi ro, đào tạo cán bộ.
Thứ bảy, cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Cuối cùng, người tiêu dùng cũng cần có hành động để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như của các công ty tài chính.