Doanh nhân
TS. Lê Đức Anh: Mong muốn bạn bè quốc tế biết đến một Việt Nam luôn đổi mới sáng tạo
TS. Lê Đức Anh - 03/09/2020 10:22
Với lợi thế về dân số cũng như những thuân lợi trong hợp tác quốc tế, Việt Nam có cơ hội để vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

LTS: Dân tộc Việt Nam có lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng. Ngày 2/9/1945 là một trong những mốc son chói lọi, ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới với tư cách một quốc gia độc lập. Từ đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định sức sống và bản lĩnh Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, hội nhập, khẳng định vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong cuộc chiến Covid-19 khiến bao cường quốc chao đảo, Việt Nam tiếp tục nổi lên là điểm sáng, với bản lĩnh và sáng tạo, kiên cường và nhân văn, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, để một lần nữa, hai tiếng Việt Nam lại vang lên tự hào trong mỗi người Việt Nam và tự đáy lòng cảm phục của bạn bè quốc tế.

Nhân kỷ niệm 75 Quốc khánh, Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu những chia sẻ tâm huyết, những suy tư, trăn trở, những ấp ủ và hành động, những xúc cảm dâng trào hướng về Tổ quốc, với niềm tự hào "được là người Việt Nam". 

 *

*           *

Tôi sang Nhật Bản từ năm 2006 với học bổng của chính phủ Nhật (MEXT) và tốt nghiệp Tiến sĩ tại khoa Điện - Điện tử đại học Tokyo. Đây cũng là nơi tôi đang thực hiện công tác nghiên cứu và giảng dạy. Nhật Bản là một điểm đến hấp dẫn của nhiều người Việt trong những năm vừa qua, trong đó có rất đông anh chị em chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân và sinh viên. Năm 2019, với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và một số các bậc trí thức tiền bối như giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư Hồ Tú Bảo, bà Phạm Chi Lan và nhiều cá nhân khác, Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đã được ra đời với mục tiêu xây dựng một cộng đồng trí thức tương hỗ, cùng phát triển và đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Trong thời gian công tác và làm việc tại Nhật Bản, bên cạnh những niềm vui cá nhân nho nhỏ, điều làm tôi cảm thấy tự hào là thông qua việc tổ chức những sự kiện giao lưu khoa học công nghệ Nhật – Việt, chúng tôi đang từng bước xây dựng được những cầu nối giữa giới khoa học Nhật Bản và Việt Nam. Các đồng nghiệp Nhật Bản thực sự đã bất ngờ và ấn tượng với những đổi thay mạnh mẽ về lượng và chất của khoa học công nghệ Việt Nam, cũng như tiềm năng nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên Việt Nam.

TS. Lê Đức Anh - Thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Nhật

Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, địa lý và quy mô dân số. Việt Nam với một dân số trẻ hiện có rất nhiều sức bật cho phát triển, và một quy mô dân số đủ lớn để trở thành thị trường tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ và dịch vụ mới. Đây là điểm khá tương đồng với Nhật Bản trước thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ những thập niên 60-70. Đây là cơ sở cho những nhận định lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, khác với Nhật Bản trong thời điểm đó, vốn đã có nền công thương nghiệp phát triển nhưng bị tàn phá do chiến tranh, xuất phát điểm của chúng ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua thời gian dài bị thực dân đô hộ và chiến tranh khốc liệt. Điều này đặt ra nhiều hạn chế cả về năng lực sản xuất, năng lực khoa học công nghệ và ý thức của người lao động.

Nhưng chúng ta có điểm thuận lợi là nước đi sau, do đó có thể tranh thủ các bước nhảy vọt thông qua học hỏi kinh nghiệm các nước và chuyển giao, làm chủ các khoa học công nghệ mới. Nếu có thể thực hiện các chính sách này một cách đúng đắn, đi kèm với việc hoàn thiện cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể lạc quan hơn về tương lai. May mắn là hiện nay Đảng và Chính phủ đã có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và đang từng bước xây dựng các cơ chế phù hợp.

Với lợi thế về dân số cũng như những thuân lợi trong hợp tác quốc tế, tôi đánh giá Việt Nam có cơ hội để vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để tận dụng cơ hội đó, Việt Nam cần sớm xây dựng được một tầm nhìn quốc gia về cuôc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho riêng mình, xác định các mục tiêu chiến lược, các ngành và lĩnh vực mũi nhọn trong công cuộc phát triển này, tránh việc kêu gọi và phát triển tràn lan, gây lãng phí nguồn lực.

Việc xây dựng tầm nhìn này cần huy động được trí tuệ của người Việt trong và ngoài nước. Tôi xem đây là sứ mệnh và là niềm tự hào của những người con đất Việt xa xứ, và tôi sẽ đóng vai trò là một trong những mắt xích để kết nối những tinh hoa công nghệ thế giới với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Nếu có thể được định hướng và kết nối đúng đắn, trước hết là giữa trí thức Việt tại Nhật Bản, sau là giữa trí thức Việt tại Nhật Bản và trí thức trong nước, đây chắc chắn là một nguồn chất xám, nhân lực và vốn hết sức quan trọng cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đó cũng là những điều mà tôi và những người đồng sự hết sức kỳ vọng khi tham gia Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Nhật (VJOIN). Chúng tôi đang nỗ lực để có thể hiện thực hóa các kỳ vọng trên.   

Tôi mong muốn, người Nhật và bạn bè quốc tế sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn nữa với vị thế là một quốc gia mạnh về công nghệ và đổi mới sáng tạo; các nhà nghiên cứu, các chuyên gia Việt Nam sẽ được coi trọng và có chỗ đứng bình đẳng, ngang hàng với các đồng nghiệp tại Nhật Bản và trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác