Ngày 19/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa mạnh tay tăng tỷ giá và nới rộng biên độ tỷ giá. Ông nhận định như thế nào về động thái này của NHNN?
Ngân hàng Nhà nước đã có hai lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái chỉ trong vòng một tuần qua. Lần thứ nhất (12/8: nới biên độ thêm 1%) là để phản ứng với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, lần thứ hai (ngày 19/8) là có mục tiêu dài hạn hơn, nhằm phòng vệ trước việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9- tháng 10 năm nay. Mặt khác, tuần qua, khi Trung Quốc phá giá sâu đồng nhân dân tệ, tình trạng găm giữ ngoại tệ để chờ điều chỉnh tỷ giá của thị trường tăng lên.
Theo tôi biết, chỉ trong một thời gian ngắn, lượng mua vào ngoại tệ của các ngân hàng tăng 1,5 lần. Các ngân hàng chuyển từ nội tệ sang mua ngoại tệ để cất trữ với kỳ vọng tháng 9, tháng 10 tới NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá khi Fed tăng lãi suất.
Tình trạng găm giữ ngoại tệ có tính kỳ vọng này kéo dài có thể sẽ làm thị trường ngoại tệ khan hiếm và có nguy cơ biến động rất mạnh. Trong tuần qua, NHNN cũng đã phải bán ra lượng lớn ngoại tệ để can thiệp thị trường.
Chính vì vậy, để định hướng thị trường và ngăn tình trạng găm giữ ngoại tệ, ngày 19/8, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ tỷ giá với cường độ tương đối lớn, tổng cộng là 2%. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp là tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Như vậy, có thể hiểu là tỷ giá sẽ được giữ ổn định, ít nhất là đến hết quý I/2016.
Tôi cho rằng, đây là biện pháp kịp thời và rất khôn ngoan của NHNN.
Theo ông, với mức độ điều chỉnh tỷ giá lớn như vừa qua, các DN nào sẽ được lợi và tình trạng găm giữ ngoại tệ có còn không?
Với mức điều chỉnh tỷ giá lần này, các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thấy rõ. Các doanh nghiệp trong nước cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc. Doanh nghiệp, ngân hàng, và người dân cũng không dại gì mà giữ ngoại tệ mà họ duy trì trạng thái Việt Nam đồng để có lợi hơn.
Tôi nghĩ, điều chỉnh tỷ giá với mức độ lớn vừa qua là động thái điều hành đón đầu thị trường rất thông minh, rất kịp thời và mức độ điều chỉnh lớn như vậy rất tốt tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ thời gian tới.
Một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay là câu chuyện lãi suất, ông có nhận định thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng, vì việc điều chỉnh tác động không mạnh đến lạm phát, hiện lạm phát đang ở mức rất thấp cho nên nó không tác động đến lãi suất tiền gửi, do đó cũng sẽ không tác động đến lãi suất cho vay. Xét về mặt lý thuyết, khi ngân hàng trung ương nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó, về nguyên tắc, lãi suất sẽ giảm chứ không tăng.