Ngân hàng - Bảo hiểm
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nới biên độ tỷ giá là để cân bằng cung cầu thị trường
Thùy Liên - 17/10/2022 13:41
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh.

Sáng nay (17/10), Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Bên cạnh đó, tỷ giá trung tâm sáng nay cũng tăng 45 đồng/USD so với phiên trước đó, lên mức 23.586 đồng/USD.

Với sự điều chỉnh cả tỷ giá trung tâm lẫn biên độ điều chỉnh tỷ giá, trên thị trường sáng nay, giá USD bán ra nhiều ngân hàng được nâng lên mức 24.500 đồng/USD, giá bán USD trên thị trường tự do vượt 24.500 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng 7%.

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư  - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, có 2 lý do khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng thời nâng tỷ giá trung tâm.

Thứ nhất, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc - quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%.

Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết.

Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, nguyên nhân nữa khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạn thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).

Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái. 

Thủ tướng đã chỉ đạo phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách để bình ổn thị trường như: Bán hối phiếu Ngân hàng Nhà nước, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mua bán ngoại tệ, tăng lãi suất…

Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, tôi cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các giải pháp. Còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc do lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác