Ngân hàng - Bảo hiểm
TS Trần Du Lịch: Cần giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
T.V - 10/06/2022 16:29
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, cần giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo lộ trình NHNN đưa ra.

Ngân hàng thương mại không thể mãi gánh vốn trung, dài hạn

Lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” theo Thông tư 22 được Ngân hàng Nhà nước lùi lại 1 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%.

Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.  

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch đã đến lúc thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Bởi theo ông, nếu để  ngân hàng thương mại đảm đương vai trò vốn trung dài hạn, rồi cứ nới trần lấy ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì sẽ tiếp tục chịu rủi ro.

Đáng chú ý là việc các ngân hàng cho vay vào tín dụng bất động sản chủ yếu là vốn trung, dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn. 

Vì thế, phải giảm dần gánh nặng của ngân hàng thương mại về vốn trung dài hạn, đẩy qua trực tiếp mà trong đó trái phiếu là một kênh quan trọng.

Chấn chỉnh và tạo điều kiện để thị trường trái phiếu phát triển

Việc chấn chỉnh trên thị trường trái phiếu là cần thiết, nhưng phải tạo điều kiện để tiếp tục phát triển thị trường này, để tạo nguồn vốn trực tiếp cân đối thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ.

Sử và hoàn thiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP, làm rõ trách nhiệm của những tổ chức đại lý phát hành, kể cả công ty chứng khoán, trách nhiệm trong việc giới thiệu, giám hộ thế nào.

Hiện nay, người dân mua trái phiếu tại ngân hàng và nghĩ rằng, ngân hàng phát hành chứ không phải ngân hàng phân phối trái phiếu cho doanh nghiệp.

Vì thế, cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, nhưng không nên nghĩ đến việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có tài sản thế chấp như ngân hàng.

Nhưng cần có tiêu chí để doanh nghiệp xác định, đánh giá mức độ rủi ro và cuối cùng là đòi hỏi các tiêu chí giám sát. Trong khi đó, hiện nay, không có cơ chế giám sát nào rõ ràng. Nếu hoàn thiện 3 vấn đề này sẽ tiếp tục phát triển.

"Trong điều kiện hiện nay, mức tăng tín dụng 2,5 lần tăng trưởng GDP, khoảng 14-15% vẫn là phù hợp, không phải là vấn đề ghê gớm. Có thể nếu nắn dòng tín dụng lại, đi vào đúng hướng thì mức tăng này đủ kích thích tăng trưởng", TS. Trần Du Lịch nói.

Đồng bộ trong việc giám sát các thị trường

Việc xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trái phiếu cũng như thị trường bất động sản là việc phải làm. Giải pháp chấn chỉnh là đồng bộ hai thị trường này, bởi hai thị trường này liên thông nhau.

Thực tế cho thấy, sự liên thông rất rõ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, xử lý vi phạm và cơ chế chính sách là hai vấn đề khách nhau.

Theo TS. Trần Du Lịch, vi phạm phải xử lý theo luật, nhưng cơ chế chính sách là phải nâng cao hiệu quả về cơ chế giám sát thị trường. Và thậm chí đồng bộ 4 mục tiêu kinh tế vĩ mô, tạo thành bài toán 4 ẩn số, mới đảm bảo tăng trưởng.

Mô hình giám sát thị trường vốn, theo TS. Trần Du Lịch, thứ nhất thị trường vốn và thị trường tiền tệ nằm trong cấu tạo thị trường tài chính.

Có hai chân, một bên là thị trường vốn trung dài hạn, tức là thị trường chứng khoán. Một bên có hệ thống ngân hàng, dĩ nhiên tham gia vào đó có các định chế về bảo hiểm, đầu tư.

Nhưng hiện nay vẫn giám sát riêng lẻ, Ngân hàng Nhà nước giám sát tín dụng, còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát thông tin chứng khoán. Tuy nhiên, một số vấn đề không phải chỉ có thị trường này hay thị trường kia mà nó đi liên thông.

Chẳng hạn, trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giám sát trái phiếu thì Bộ Tài chính quy định, nhưng trái phiếu lại đưa qua phát hành qua ngân hàng thương mại, uy tín ngân hàng thương mại được sử dụng để doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Theo TS. Trần Du Lịch, mô hình giám sát thị trường tài chính Việt Nam phải đủ quyền lực và đủ rộng để giám sát mọi hoạt động này chứ không phải riêng ngân hàng hay riêng bộ phận tài chính nào.

Tin liên quan
Tin khác