Tiêu dùng
Từ 8/1/2025, sầu riêng Việt Nam xuất sang EU bị tăng tần suất kiểm tra
Thế Hải - 03/01/2025 14:06
Từ ngày 8/1/2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU.
EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%.

Ủy ban Châu Âu mới đây đã ban hành Quy định số 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ bên ngoài vào EU theo Quy định 2019/1793 và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, EU nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20% và vẫn áp dụng tại Phụ Lục I, lý do trong thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.

EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; đậu bắp và ớt, áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (theo quy định tại phụ lục II).

Lý do trong thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và đặc biệt là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo, vi phạm quy định MRL không giảm do đó EU vẫn duy trì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước.

Bên cạnh sầu riêng Việt Nam, một số nông sản xuất khẩu từ các quốc gia khác như hạt thì Ấn Độ, đậu bắp Ấn Độ, đậu mắt đen Madagascar, ớt Rwanda... cũng bị EU tăng tần suất kiểm tra.

Trước đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thay đổi kiểm soát với sầu riêng ở thị trường EU.

Nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid.

Theo thông lệ, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ công bố các sửa đổi trong quy định về việc tăng cường kiểm soát hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với một số hàng hóa nhất định vào EU. 

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho biết, EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn do thời gian thông quan kéo dài, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt mốc kỷ lục hơn 3,1 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả, 90% kim ngạch xuất khẩu sầu riêng được xuất bán sang Trung Quốc.

Tin liên quan
Tin khác