Ngân hàng - Bảo hiểm
Từ chối sáp nhập, Saigonbank làm ăn lẹt đẹt
Vân Linh - 22/08/2019 11:05
Ngân hàng TMCP Sài Gòn công thương (Saigonbank - SGB) thành lập từ năm 1987. Sau gần 32 năm hoạt động, vốn điều lệ của nhà băng này chỉ nhỉnh hơn mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh không mấy khởi sắc, nhất là sau khi ngân hàng này từ chối sáp nhập vào một nhà băng lớn khác.
Tình hình kinh doanh của Saigonbank không mấy sáng sủa, khiến việc tái cơ cấu ngân hàng gặp khó khăn. Ảnh: Lê Toàn

Khó tăng vốn

Vốn điều lệ luôn được lãnh đạo Saigonbank quan tâm, nhất là trước bối cảnh ngành tài chính - ngân hàng đang phải áp chuẩn Basel II, song dù đã nỗ lực, nhà băng này vẫn khó tăng được vốn. Từ năm 2014, Saigonbank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4.080 tỷ đồng, song vẫn dậm chân tại chỗ.

Thậm chí, tháng 3/2016, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhà băng này chưa triển khai được kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Vốn pháp định của Saigonbank vẫn dừng ở 3.000 tỷ đồng - mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2018, cổ đông chi phối tỷ lệ vốn lớn tại Saigonbank là Vietcombank, Vietinbank phải lần lượt thoái vốn khỏi Saigonbank theo lộ trình đưa ra tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Trong đó, Vietcombank thu về hơn 266 tỷ đồng từ việc thoái 13,2 triệu cổ phần trong tháng 11/2017; Vietinbank cũng chuyển nhượng toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, thu ròng gần 305 tỷ đồng trong tháng 5/2019.

Về vốn điều lệ, Saigonbank luôn nằm ở top thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6/2019, Saigonbank xếp cùng nhóm với các nhà băng có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng như VietABank, NamABank, Viet Capital Bank, KienlongBank, VietBank… Hầu hết các ngân hàng này đều từng thất bại với kế hoạch tăng vốn vì nhiều lý do.

Khó tăng vốn trong nhiều năm, song Saigonbank vẫn từ chối M&A. Thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, thị trường từng có nhiều đồn đoán xoay quanh cuộc “hôn nhân” giữa Saigonbank - Vietcombank, do Saigonbank khó có thể nâng cao năng lực tài chính.

Tuy nhiên, sau những nhùng nhằng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, cổ đông lớn của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM (hiện nắm hơn 18% vốn) từ chối sáp nhập Vietcombank. Trong khi, việc Saigonbank sáp nhập Vietcombank được xem là giải pháp khả thi nhất cho nhà băng này, nhất là khi nợ xấu tăng cao. Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, nếu không tính đến chuyện sáp nhập, Saigonbank khó có thể tự đứng vững trong tương lai khi ngành đang đẩy mạnh tái cơ cấu.

Mới đây, Thành ủy TP.HCM cho biết, sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Được biết, Thành ủy TP.HCM đang có khoản vốn góp lớn tại 2 ngân hàng là Saigonbank và  DongABank. Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong năm nay và năm sau, Thành ủy TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Lợi nhuận giảm

Saigonbank vừa công bố báo cáo quý II/2019 với thu nhập lãi thuần giảm 7%, đạt 157 tỷ đồng. Các hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, hoạt động khác đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, dù chi phí hoạt động cũng giảm 9%, về 109 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng vẫn báo lãi giảm 24%, còn 14,2 tỷ đồng trong quý II/2019.

Tuy tình hình kinh doanh lẹt đẹt, nhưng Saigonbank vẫn được nhiều nhà đầu tư săn đón, bởi nhà băng này có khối bất động sản khá lớn như: Khách sạn Riverside Hotel trên đường Tôn Đức Thắng; Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C - Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) cũng là khu đất vàng; tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM) với 2 mặt tiền; ngôi nhà ở 40 - Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắc Lắk…

Tính chung 6 tháng đầu năm, Saigonbank ghi nhận thu nhập lãi thuần là 316 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh khác cũng sụt giảm, cộng thêm chi phí hoạt động gia tăng 3%, khiến lợi nhuận thuần ở mức 132,6 tỷ đồng, giảm 30%. Tuy nhiên, do Ngân hàng giảm tỷ lệ trích lập dự phòng từ mức 41% cùng kỳ năm 2018, xuống còn 33,3% (tương đương giảm trích lập 33 tỷ đồng), nên lợi nhuận trước thuế của Saigonbank sau 2 quý đầu năm nay chỉ giảm 21%.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 21.291 tỷ đồng, tăng 4,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 14.181 tỷ đồng, tăng 3,73%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,25%.

Tỷ lệ nợ xấu trên của Saigonbank đã giảm khá nhiều so với thời điểm cuối năm 2018, khi nhà băng này có đến 889 tỷ đồng, chiếm 6,39% tổng dư nợ. Theo ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank, nguyên nhân khiến nợ xấu giảm là do Ngân hàng đã chủ động, tích cực rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ, phân loại và hạch toán đúng bản chất của các khoản nợ để từ đó có giải pháp xử lý.

Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 3.000 tỷ đồng và nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của Saigonbank, thì việc tái cơ cấu là một vấn đề khó của nhà băng này.

Trong Đại hội cổ đông thường niên 2019, HĐQT Saigonbank đã trình về phương án đăng ký giao dịch cổ phiếu của Saigonbank trên sàn UPCoM vào cuối năm nay. Việc lên sàn UPCoM nhằm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là tất cả các tổ chức tín dụng đều phải niêm yết trước năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác