Thứ nhất, theo công văn báo cáo của PVC thì tình hình thực hiện thu hồi tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến thời điểm 10/1/2018 đã thu hồi được 1.240 tỷ đồng.
Nhưng nguồn tiền thu hồi là từ nguồn khác bao gồm sử dụng tăng vốn điều lệ để bù đắp tạm ứng cho dự án là 317 tỷ đồng; thu hồi từ thoái vốn và thu hồi từ các dự án khác là 514 tỷ đồng; chi phí quản lý của PVC phục vụ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là 408 tỷ đồng.
Theo Hội đồng xét xử, ngoài việc được chỉ định làm tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì PVC còn được chỉ định xây dựng một số dự án lớn khác như Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ... Cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nên kiến nghị tiếp tục điều tra, làm rõ |
Như vậy, PVC đã sử dụng nguồn tiền khác để bù đắp vào khoản chi trái phép từ nguồn tiền tạm ứng của PVN. Còn khoản tiền chi trái mục đích hiện chưa thu hồi được. Vì vậy, Tòa kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ việc sử dụng khoản tiền 1.115 tỷ đồng tiền tạm ứng vào các mục đích khác để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, mặc dù PVC không có năng lực về tài chính và kinh nghiệm chuyên môn để thi công các dự án lớn nhưng ngoài việc được chỉ định làm tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì PVC còn được chỉ định xây dựng một số dự án lớn khác như Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ... Cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ việc thất thoát này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ 3, đối với việc phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và các dấu hiệu sai phạm khác tại PVN và PVC, kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.