Tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang. Ảnh: Quân Nguyên |
Những quyết định cát cứ...
Cho đến giờ, một tuần sau quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc cách ly người đến từ TP.HCM để tăng cường phòng chống Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh thâm nhập vào địa phương, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết lo âu.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ ngay lập tức có chỉ đạo các tỉnh phải có trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh, nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh..., UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có điều chỉnh phù hợp hơn, song câu hỏi về việc các địa phương khi ban hành những văn bản như vậy có tính đến tác động tới doanh nghiệp hay không dường như vẫn khó trả lời.
Thực tế, chỉ 2 ngày sau chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, trong cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các địa phương, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vẫn phải nhắc đến những khó khăn do các chốt kiểm soát Covid-19 áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết, như không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa...
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, trong các ý kiến gửi về Ban IV, các doanh nghiệp đều nói rất thấu hiểu áp lực của các địa phương trong việc phòng chống dịch, song cũng “không thể vì bảo vệ an toàn cho địa phương mình, mà quên việc cả nền kinh tế đang thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, như Chính phủ chỉ đạo”.
Về nguyên tắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp luôn được xây dựng và vận hành theo một thang thời gian nhất định, thường từ 6 tháng đến 1 năm, bao gồm từ công đoạn tiếp nhận hợp đồng, đơn hàng tới lên kế hoạch sản xuất... Trong thời gian dịch bệnh, các tình huống cũng được chuẩn bị theo các kịch bản, gồm cả kịch bản có lao động bị lây bệnh, để tránh bị động.
Nhưng, theo bà Thủy, doanh nghiệp không thể ứng phó nổi với yêu cầu về tổ chức vùng cách ly, rồi tổ chức test Covid-19 cho lái xe và người lao động..., khi thời gian từ khi ban hành đến lúc có hiệu lực chỉ vài tiếng đồng hồ...
Mối lo từ tư duy thiếu liên kết
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gọi các văn bản đầy tính cát cứ trên là ví dụ điển hình của tư duy thiếu liên kết trong điều hành kinh tế. Đáng tiếc, cách tư duy này đang không hiếm thấy.
TP.HCM, ngay thời điểm này, cũng có văn bản phân biệt doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và mở ở nơi khác để có mức thu phí hạ tầng khác nhau. Câu hỏi cần đặt ra lúc này là, lãnh đạo TP.HCM có biết phần đông doanh nghiệp thuộc diện phải nộp phí kết cấu hạ tầng đang đóng tại các tỉnh giáp ranh, như Đồng Nai, Bình Dương không và mức thu bất bình đẳng này có phù hợp với các quy định về thuế, phí không?
“Cho dù diễn giải thế nào về cơ sở của quyết định thu phí hạ tầng của TP.HCM thì cũng cần phải được xem lại ở góc độ TP.HCM đang là đầu tàu trong Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, chứ không thể đèn nhà ai nấy rạng như hiện tại”, ông Cung nêu quan điểm.
Thực ra, điều ông Cung lo ngại hơn là, nếu không thay đổi tư duy này, thì các giải pháp thúc đẩy đầu tư công sẽ lại gặp khó.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị 13/2021/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, vốn đầu tư công sẽ tập trung cho các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, kết nối liên vùng... Để thực hiện, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thủ tục để các dự án này có thể triển khai được ngay sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua.
Nhưng trên thực tế, đã có tình trạng một dự án đi qua địa bàn nhiều địa phương, có tỉnh muốn làm ngay, có tỉnh chưa, có tỉnh có trách nhiệm trong đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, có tỉnh không làm rốt ráo... Trong một chuỗi liên kết, một người chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chung.
“Sẽ cần có cơ chế, chế tài cho việc liên kết, phối hợp thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Theo tôi, cần có cơ chế ai chậm thì chấp nhận để địa phương làm nhanh hơn thực hiện và phải chi trả cho nơi làm nhanh. Tất nhiên, sẽ phải sửa lại quy định Luật Ngân sách, vì hiện tại, ngân sách tỉnh nào chi cho dự án của tỉnh đó”, ông Cung đề xuất.
Đặc biệt, ông Cung cũng đang chờ đợi việc rà soát để cắt giảm bớt dự án, nhằm dồn vốn đầu tư cho khoảng 5.000 dự án trong 5 năm tới. Vì cách áp đặt mục tiêu cứng sẽ khiến các bộ, ngành, địa phương phải liên kết với nhau, bàn bạc để đưa ra danh mục dự án có hiệu quả nhất.
Cũng phải nói thêm, Chị thị 13/2021/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề xuất các cơ chế, chính sách cần bổ sung, sửa đổi để bảo đảm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Rõ ràng, nếu tư duy cát cứ còn, thì dư địa để các động lực tăng trưởng có được những cơ chế, chính sách phù hợp hơn sẽ không có.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo một loạt công việc. Đó là công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Chính phủ cũng yêu cầu kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công; chấm dứt tình trạng xin cho, chạy dự án trong đầu tư công làm cho đầu tư công chậm trễ, dàn trải, kém hiệu quả, kéo dài...
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!