Đô thị Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của một trung tâm kinh tế lớn. Ảnh: Hồng Phong |
Dấu ấn kiêu hãnh
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương từng nói: “Hải Phòng không chỉ là của Hải Phòng, mà là của cả nước, của khu vực và là cửa ngõ quốc gia”.
Có lẽ, chính vị trí nơi cửa biển, nên thời cuộc đã đặt lên mảnh đất, con người Hải Phòng những trọng trách lớn. Và trong hành trình 68 năm xây dựng, phát triển, Hải Phòng đã đi qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, tạo cho mình những trang sử hào hùng.
Đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với những chiến công hiển hách “Đường 5 anh dũng”, “đường 10 quật khởi”, Sở Dầu, Cát Bi rực lửa… đã đi vào lịch sử. Đó là 300 ngày để những tên lính Pháp cuối cùng phải cuốn gói về nước, chấm dứt hoàn toàn chế độ thực dân ở nước ta. Và ngày 13/5/1955 lịch sử, khi những người lính Cụ Hồ tiến vào tiếp quản, cả Hải Phòng là rừng cờ hoa và niềm kiêu hãnh vui mừng khôn xiết của người dân nơi này. Từ đó, tháng 5 trở nên đặc biệt và thiêng liêng với từng người dân Hải Phòng.
Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, thì Hải Phòng lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Chính trong lúc khó khăn nhất đó cũng là “lửa thử vàng” để những kỳ tích xuất hiện.
Nếu năm 1955, Hải Phòng chỉ có 8 xí nghiệp, thì đến năm 1975 có trên 100 nhà máy hoạt động sản xuất, 250 hợp tác xã thủ công nghiệp, vận tải, đánh cá và xây dựng.
Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hải Phòng vẫn xây dựng thêm 29 nhà máy, xí nghiệp quốc doanh. Nhiều cơ sở sản xuất mới được phục hồi, mở rộng, xây mới như Cảng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng, Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng, cơ khí Duyên Hải, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong… Với vị thế là cảng biển lớn nhất của miền Bắc, Hải Phòng còn là nơi tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế cho cả nước và là điểm xuất phát của “đường Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại.
Sự phát triển của Hải Phòng trong thời kỳ đó có giá trị rất lớn, không chỉ cho chính Thành phố, mà còn đóng góp chung vào sự chi viện, phục hồi, tái thiết của miền Bắc; đồng thời góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc. Những tháng năm lịch sử sôi động, hào hùng này đã góp phần hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh của người Hải Phòng. Họ không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh, biến cố nào của thời cuộc, để từ đó, viết tiếp những kỳ tích mới trong thời bình.
Câu chuyện sự ra đời của Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp là một ví dụ điển hình. Khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Hải Phòng năm 1980 đã làm cơ sở cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương vào tháng 1/1981 và Nghị quyết Khoán 10 tháng 4/1988 của Bộ Chính trị khóa VI. Lúc này, sức sản xuất thực sự được giải phóng và an ninh lương thực của người dân, đất nước được đảm bảo.
Dám nghĩ, dám làm đã giúp Hải Phòng nhanh chóng “hồi sinh” từ chiến tranh, vươn lên mạnh mẽ và trở thành một trong 3 đầu tàu kinh tế của đất nước.
Vững vàng vị thế đầu tàu
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng cũng có những nốt trầm của nhiều năm tháng, để rồi sau giai đoạn “ngủ quên” đó, Hải Phòng chợt nhận ra, bừng tỉnh và vươn mình.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước. Đó là sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, là sự chậm phát triển khi có đến 6 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, thu ngân sách còn thấp, môi trường đầu tư còn bất cập. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương này qua các năm đã cho thấy điều đó.
Sự thay đổi mang tính tích cực được các chuyên gia đánh giá bắt đầu thực sự từ năm 2015. Kể từ đó đến nay, Hải Phòng đã nỗ lực đưa xếp hạng của mình lên vị trí khá và tốt. Bốn năm liền (từ năm 2019 đến 2022), Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước, trong đó năm 2021 đã vươn lên vị trí á quân.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm trở lại đây, có thể thấy, kinh tế TP. Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc. Quy mô kinh tế Thành phố không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội. Tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng so với GDP cả nước tăng từ 3,6% năm 2005, lên 4,4% vào năm 2020. Kinh tế Hải Phòng tăng trưởng ổn định, duy trì mức hơn 10%/năm.
Năm 2022, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với GRDP tăng 12,32% so với năm trước đó. Đây cũng là năm ghi nhận lần đầu tiên, Thành phố đạt thu ngân sách vượt qua con số 100.000 tỷ đồng.
Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ bởi những quyết sách đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, cải thiện không gian sống cho người dân; cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh.
Nhờ vậy, những thương hiệu bán lẻ, dịch vụ lớn hàng đầu thế giới đã hiện hữu tại thành phố này, như Aeon Mall, Hilton, Pullman… Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng liên tục qua các năm và đón được nhiều “đại bàng” về làm tổ. Những cái tên như GE, Yazaki, LG, Kyocera, Pegatron, USI, Nipro Pharma... đã lan tỏa sức hấp dẫn của thành phố cảng biển với bạn bè thế giới.
Đến nay, những công trình ngàn tỷ đồng như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đã “quen lối” tàu xe. Đường ven biển Thái Bình - Hải Phòng sắp hoàn thành. Hàng chục cây cầu nối giữa các địa phương trong Thành phố, hay kết nối với địa phương đã và đang được xây dựng. Tất cả đang mở rộng hơn không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho Hải Phòng.
“Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế rằng, quy mô kinh tế của Hải Phòng đến năm 2022 mới chiếm 3,83% GDP của cả nước. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp, trong đó TP.HCM có 268.400 doanh nghiệp, Hà Nội có gần 178.500 doanh nghiệp, thì Hải Phòng mới có hơn 49.900 doanh nghiệp. Đến năm 2022, số doanh nghiêp đang hoạt đông tại Hải Phòng mới tăng lên con số 52.100. Điều này thực sự là chưa tương xứng với một trung tâm kinh tế như Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng thừa nhận.
Đây là những thử thách tiếp theo để Hải Phòng phải vượt qua, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Vươn ra thế giới
Với vai trò quan trọng, Hải Phòng tiếp tục được đặt lên vai những trọng trách mới. Phải trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại; trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng…
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
“Những con số, những mục tiêu so với hiện tại thì có thể là quá cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu Hải Phòng được coi là động lực của cả nước, và Trung ương phải tập trung về mặt cơ chế cho Thành phố phát triển”, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nói như vậy. Và Nghị quyết 45-NQ/TW đã là kim chỉ nam cho Hải Phòng tự tin vững bước trên hành trình mới.
Song song với câu chuyện thể chế, cơ chế, thì Hải Phòng đang chủ động làm những phần việc của mình. Thành phố đang đẩy mạnh tiến độ đầu tư các bến cảng số 3-4 và 5-6 của Cảng quốc tế Lạch Huyện. Đồng thời, triển khai xây dựng mạng lưới
logistics có quy mô 2.200 - 2.500 ha, gồm Trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Đó sẽ là những hành động cụ thể để đưa Hải Phòng sớm trở thành trung tâm logistics quốc tế.
Để có thể trở thành đô thị phát triển ngang tầm khu vực, Hải Phòng đã tính toán viêc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng, tạo nền tảng cốt lõi phát triển đô thị thông minh. Trước mắt, sẽ xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các đô thị mới; trung tâm ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu lớn (Big data) khu vực Đông Nam Á ở quận Dương Kinh; đề xuất xây dựng mới khu vực công nghiệp công nghệ thông tin ở Nam Đình Vũ, Kiến Thụy, Tiên Lãng.
Mặt khác, Hải Phòng đang đề xuất điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng tại Tràng Duệ 3, Lạch Huyện, Bến Rừng 2, Tam Hưng - Ngũ Lão, đảo Cái Tráp; xây dựng mới khu trung tâm thương mại - tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại Hải An, Dương Kinh… Điều này sẽ tăng sức hấp dẫn hơn nữa với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn.
Bằng những hoạch định rõ ràng, cùng với cam kết đồng hành, cùng có lợi, Hải Phòng đang ngày càng nhận được nhiều sự chung tay của nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn, đưa Hải Phòng vươn xa hơn nữa, hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.