Dự báo từ nay đến cuối năm xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD. |
Ngành rau quả của nước ta đã đạt kỷ lục về tăng trưởng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, mang về 3,23 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu đạt 550 triệu USD, tăng 122,5% so với tháng 7/2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nhiều ngành hàng sụt giảm do tổng cầu yếu. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo những tháng còn lại của năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD.
Hàng rau quả chủ yếu xuất khẩu tới khu vực châu Á, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chiếm 77,6% trong tổng xuất khẩu sang khu vực châu Á và chiếm 65,8% tổng xuất khẩu hàng rau quả.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tới Trung Quốc ghi nhận mức cao trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng rau quả xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, Châu Đại Dương và châu Phi với trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để ngành hàng rau quả tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Chủng loại quả và quả hạch chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu nửa đầu năm 2023, đạt 1,9 tỷ USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Á với Trung Quốc là điểm đến chính. Trị giá xuất khẩu quả và quả hạch tới Trung Quốc chiếm 83,3% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại này.
Tiếp theo là chủng loại sản phẩm chế biến, trong nửa đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu chủng loại này đạt 568 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng cao của chủng loại này là nhờ xuất khẩu sang khu vực châu Á và châu Âu tăng trưởng mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á đạt 326,3 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 121,5 triệu USD, tăng 68,7%.
Ngoài 2 chủng loại xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, còn một số chủng loại khác cũng được xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 như rau củ, hoa và lá.
Tín hiệu tích cực với ngành hàng rau quả là thị trường Mỹ vừa công bố mở cửa thị trường với quả dừa sọ của nước ta, theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức.
Đáng chú ý, yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Hiện, APHIS đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của quốc gia này.
Việt Nam có gần 200.000 ha đất trồng dừa, sản lượng 2 triệu tấn trái, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về sản xuất dừa, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan đến dừa trong năm 2022 đạt 900 triệu USD.