Thị trường vàng trong nước và quốc tế đã có một tuần lễ giao dịch tương đối "êm ả" khi mà giá chủ yếu dao động nhẹ xung quanh các mốc quan trọng. Mặc dù thị trường vàng thế giới đã ổn định trở lại quanh mốc 2.040 USD/ounce, tuy nhiên, tuần đầu tiên của năm 2024 đã đóng cửa trong "sắc đỏ" do gặp phải áp lực từ sự hồi phục của USD.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,05% lên 2.045,57 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,13% lên 2.052,6 USD/ounce. So với tuần trước, giá vàng đã giảm hơn 1%, đồng thời cũng là tuần lễ giảm giá đầu tiên sau 3 tuần thăng hoa.
Nguyên nhân theo ông David Meger, Giám đốc giao dịch mảng kim loại tại High Ridge Futures, là do dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tăng mạnh hơn so với dự kiến đã tạo ra áp lực lên vàng. Tuy nhiên, dữ liệu từ Viện quản lý Cung ứng đã chỉ ra sự đi xuống của ngành dịch vụ tại Mỹ đã phần nào khiến thị trường vàng không bị sụt giảm quá mạnh.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, các nhà tuyển dụng ở nước này đã thuê nhiều nhân công hơn dự kiến trong tháng 12/2023, cùng với việc tăng trưởng tiền lương ở mức cao, giúp củng cố kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Cũng trong Báo cáo mới được công bố, lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 216.000 việc làm trong tháng 12/2023, cao hơn nhiều so với mức 170.000 việc làm được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trước đó.
Dữ liệu của tháng 11 cũng được điều chỉnh giảm với 173.000 việc làm được tăng thêm thay vì 199.000 việc làm như báo cáo trước đó.
Tính cả năm 2023, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 2,7 triệu việc làm, giảm mạnh so với 4,8 triệu việc làm được tạo ra trong năm 2022.
Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi so với tháng 11/2023, duy trì ở mức 3,7%. Tuy nhiên, mặc dù lực lượng lao động ngày càng mở rộng, tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao.
Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương đã tăng 4,1% trong tháng 12/2023, từ mức 4,0% của tháng 11.
Trong khi đó, số liệu từ khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm từ 52,7% xuống 50,6% trong tháng trước.
Không chỉ thế, số liệu từ chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, nợ hộ gia đình đã chạm mức cao kỷ lục 17.300 tỷ USD tính đến cuối quý 3/2023. Tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức ngay trước đại dịch.
Có thể thấy, các điều kiện tài chính đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình đã gặp phải nhiều khó khăn hơn sau 2 năm chính sách tiền tệ thắt chặt.
USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đều đạt mức cao nhất trong 3 tuần, và xác lập tuần tích cực nhất lần lượt kể từ tháng 7 và tháng 10. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng bị kìm hãm.
"Với việc Fed đang hướng đến việc cắt giảm lãi suất thì kỳ vọng đến số lần lãi suất sẽ bị cắt giảm trong năm nay sẽ là nguyên nhân chính tạo ra biến động trên thị trường", ông Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo nhận định.
Ở diễn biến khác, tại Ấn Độ, số lượng vàng được tiêu thụ đã tăng trong tuần này, trong khi giá vàng trong nước giảm trở lại từ mức cao kỷ lục.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,01% xuống 102,43 điểm.
Kết thúc năm 2023, chỉ số USD đã giảm 3,4%, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, USD đã đồng hành cùng lợi suất trái phiếu kho bạc, trong đó lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã tăng 4% sau hai tuần. Điều này phần nào là động lực để chỉ số USD đạt đỉnh ở tuần ở 102,61 điểm. Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 7/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.932 VND/USD, tăng 66 đồng so với phiên trước.
Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.736 - 25.128 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.160 VND/USD (mua vào) và 24.530 VND/USD (bán ra), tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước. So với tuần trước, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng tới 100 đồng.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 72 - 75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với tuần trước, cũng là thời điểm cuối năm 2023.
Chênh lệch giữa chiều mua và bán vẫn được giữ ở mức cao 3 triệu đồng/lượng cho thấy tâm lý e ngại rủi ro khi mua vào của các thương hiệu trước sự thay đổi của thị trường. Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức hơn 13 triệu đồng/lượng.
Mới đây, nhằm chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, ngày 02/01/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng, và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, ban hành Quyết định thành lập Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước nhằm xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước.