Tài chính - Chứng khoán
Tuân thủ FATCA - thách thức lớn của các định chế tài chính
Hoàng Mai - 16/08/2014 15:10
Đạo luật về tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản ở nước ngoài (FATCA) là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây, đặc biệt là trong giới ngân hàng và tổ chức tài chính.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
M&A ngân hàng sẽ nóng khi thực hiện tuân thủ Basel II
Ngân hàng Việt coi chừng mất tiền với tài khoản khách Mỹ
Chính sách mới từ 1/7 đối với ngân hàng
Ba tuyến phòng thủ trong quản trị rủi ro ngân hàng
Cho vay thế chấp, ngân hàng thành tiệm cầm đồ?

Ở Việt Nam, các ngân hàng và tổ chức tài chính đã chuẩn bị như thế nào cho việc tuân thủ FATCA là chủ đề mà bà Lê Thị Kiều Nga, Thành viên điều hành, Lãnh đạo Bộ phận Tư vấn tuân thủ FATCA của Công ty KPMG Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư. 

   
  Bà Lê Thị Kiều Nga, Công ty KPMG Việt Nam  

Thưa bà, FATCA ảnh hưởng thế nào đến các định chế tài chính Việt Nam?

FATCA đặt ra 3 yêu cầu cơ bản đối với các định chế tuân thủ, đó là rà soát thông tin khách hàng mới và khách hàng hiện tại; báo cáo hàng năm cho Sở Thuế vụ Mỹ về các đối tượng Mỹ và các khách hàng chống đối; thực hiện khấu trừ thuế đối với các khoản thu nhập thuộc diện bị khấu trừ và các khoản thu nhập trung gian.

Đối với các định chế tài chính Việt Nam, có thể nói, tác động về mặt tài chính của việc không tuân thủ FATCA không phải là quá lớn tại thời điểm này. Tuy nhiên, việc không tuân thủ FATCA ảnh hưởng rất lớn về mặt danh tiếng, khiến các định chế tài chính Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi giao dịch trên thị trường tài chính thế giới và làm giảm khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bà đánh giá thế nào về tình trạng sẵn sàng của các ngân hàng và định chế tài chính ở Việt Nam khi FATCA có hiệu lực từ ngày 1/7/2014?

Với các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, do được thừa hưởng hệ thống quản trị từ ngân hàng mẹ, nên công tác chuẩn bị cho việc tuân thủ FATCA đã được khởi động từ cách đây 2 năm và nay đã hoặc gần như đã hoàn thành.

Đối với các ngân hàng và các định chế tài chính khác ở Việt Nam, đây thực sự là một thách thức lớn khi phải có những bước cải tổ đối với toàn bộ quá trình hoạt động, để có thể lồng ghép những yêu cầu tuân thủ FATCA vào quy trình cung cấp sản phẩm/dịch vụ, cũng như xây dựng các chính sách liên quan để biến nó thành một quy trình kinh doanh thông thường.

Đa số ngân hàng và các định chế tài chính ở Việt Nam đã hoàn tất việc đăng ký để trở thành định chế tài chính tuân thủ FATCA và nằm trong danh sách tuân thủ đầu tiên do Sở Thuế vụ Mỹ ban hành vào ngày 2/6/2014. Tuy nhiên, việc đăng ký mới chỉ là bước đầu tiên trong 6 yêu cầu tuân thủ FATCA, còn những yêu cầu quan trọng như xây dựng quy trình rà soát khách hàng mới và khách hàng hiện tại, quy trình báo cáo và khấu trừ, công tác quản trị thì hầu như rất ít định chế đáp ứng được đến thời điểm này.

Điều này có thể dẫn đến việc chúng ta vi phạm cam kết với phía Sở Thuế vụ Mỹ với tư cách là một định chế tuân thủ và hậu quả là, Sở Thuế vụ Mỹ cũng có quyền tước tình trạng tuân thủ của một định chế tài chính, hay áp dụng các khoản phạt do không tuân thủ nghĩa vụ khấu trừ hay báo cáo cho Sở Thuế vụ Mỹ.

Các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì trong việc tuân thủ FATCA?

Theo tôi, khó khăn có thể đến từ những nguyên nhân chủ quan, hoặc khách quan khiến các ngân hàng lúng túng trong việc triển khai.

Nguyên nhân chủ quan có thể do phương thức quản trị chưa phù hợp. Hiện nhiều ngân hàng ở Việt Nam chưa định hình được “Mô hình hoạt động mục tiêu” nhằm tuân thủ FATCA. Các nhân viên chuyên trách FATCA, hoặc những nhân viên có liên quan vẫn chưa hiểu rõ những công việc sẽ phải làm tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch, hoặc các chi nhánh ở nước ngoài khi liên hệ với khách hàng, giải đáp thắc mắc, hay xử lý những khách hàng chống đối.

Tiếp theo là vấn đề truyền thông, đào tạo chưa được triển khai phù hợp do việc triển khai tuân thủ FATCA liên quan đến nhiều đơn vị kinh doanh, hoặc hệ thống công nghệ thông tin cũng là một bất cập khi FATCA quy định những yêu cầu nghiêm ngặt về lưu trữ, rà soát và báo cáo mà các định chế tài chính Việt Nam chưa đáp ứng được. 

Một thách thức lớn khác là việc tuân thủ FATCA có thể dẫn đến việc không tuân thủ một số quy định của luật trong nước do những xung đột pháp lý, ví dụ như báo cáo với Sở Thuế vụ Mỹ, hay khấu trừ thuế, hoặc đóng tài khoản của các khách hàng chống đối.

Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính đã có những chính sách gì để hỗ trợ các định chế tài chính ở Việt Nam, thưa bà?

Một tin vui đối với các định chế tài chính Việt Nam là Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương việc đàm phán và đi đến ký kết Thỏa thuận liên Chính phủ với Mỹ theo Mô hình 1. Với việc ký thỏa thuận này, gánh nặng tuân thủ FATCA của các định chế tài chính sẽ được giảm nhẹ đi rất nhiều, đặt biệt là các vấn đề về xung đột pháp luật, hay các nghĩa vụ rà soát, khấu trừ và báo cáo.

Thỏa thuận liên chính phủ sẽ trở thành một giải pháp tuân thủ FATCA tổng thể được áp dụng cho toàn bộ ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Thỏa thuận này dự kiến được ký kết vào quý I/2015, sau đó chúng ta sẽ tiến hành điều chỉnh các quy định của nội luật để cụ thể hóa các cam kết quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác