Chuyển đổi số - Kinh tế số
“Tung lưới” với nền tảng xuyên biên giới
Tú Ân - 26/02/2021 08:31
Cơ quan chức năng đang ra quân rà soát các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới hoạt động “láo nháo” và thu thuế các nền tảng thương mại xuyên biên giới…
Facebook là một trong 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất

Siết mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi Văn bản số 215/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 25/1/2021 và Văn bản số 361/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 8/2/2021 chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo rà soát ngay toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm xuất hiện trên báo chí điện tử, trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được đề nghị thận trọng trong lựa chọn mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới để hợp tác. Khi giao kết hợp đồng hợp tác, cần yêu cầu các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tiếp tục để xảy ra sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, trong đó có hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Với các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, xử lý nghiêm các đơn vị tiếp tục để xảy ra sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trong đó có hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là hoạt động quảng cáo thông qua các mạng lưới quảng cáo (Ad Network) xuyên biên giới vẫn tiếp tục để xảy ra nhiều sai phạm. Trong đó, các hành vi vi phạm gồm: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, cá độ bóng đá…); quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen, mua bán tiền điện tử bất hợp pháp…); quảng cáo thực phẩm (thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…) vi phạm pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện một số mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm như: Google Adsense, MGID, AdAsia, AdChoices, Advernative, Dable, AdBro... Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam lên đến hàng tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. “Các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đang cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng này phải đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Mạnh tay thu thuế nền tảng xuyên biên giới

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, năm 2020, số thu thuế từ mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook… năm 2020 là 1.143 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng. Con số này rất nhỏ bé so với 15 tập đoàn công nghệ xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam với doanh thu hàng tỷ USD/năm.

Song khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, các doanh nghiệp công nghệ xuyên biên giới sẽ phải thực hiện kê khai và nộp thuế.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng, là khung khổ pháp lý để quản lý thuế đối với các hoạt động nêu trên. “Cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như YouTube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… trao đổi về trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Đồng thời, quá trình xây dựng các thông tư hướng dẫn đều lấy ý kiến của các doanh nghiệp này và hướng đến sự tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam”, ông Minh cho biết.

Tổng cục Thuế khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có nguồn thu từ thương mại điện tử và mọi thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện kê khai và nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục Thuế sẽ có nhiều biện pháp thực hiện chống thất thu thuế.

Ngành thuế đang thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu như phối hợp với cơ quan công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định nhân thân người nộp thuế, thu thập dữ liệu của các ngân hàng thương mại, công ty vận chuyển trung gian, hàng hóa, các ví điện tử, đối chiếu xác minh và sẽ làm việc với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử để hướng dẫn kê khai, nộp thuế.

Tại Thái Lan, bắt đầu từ ngày 1/9/2021, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ trực tuyến ở nước này sẽ phải đăng ký nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng 7% nếu thu nhập hàng năm của họ vượt quá 1,8 triệu baht (khoảng 60.000 USD).
Tin liên quan
Tin khác