Ngân hàng - Bảo hiểm
Tương lai bất định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Nguyễn Minh - 03/07/2019 10:25
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ lâu đã gặp rắc rối trước khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ khi nhiều nỗ lực đã thất bại vì không đạt được sự đồng thuận cần thiết.
Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia mới đây đăng bài viết với tiêu đề “Ai sẽ cứu WTO đang lâm nguy?" của tác giả David Uren, nhà phân tích và là cựu biên tập viên kinh tế của nhật báo The Australian.

Theo bài viết, Mỹ dường như quyết tâm đóng cửa cơ quan xét xử cao nhất (cơ quan phụ trách giải quyết tranh chấp thương mại) của "Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và điều này sẽ gây nguy hại cho khả năng đặt ra luật lệ cho thương mại toàn cầu của WTO.

Nếu không có các quy tắc được chấp nhận trên toàn cầu, các điều khoản thương mại quốc tế sẽ được thiết lập bằng sức mạnh quyền lực. Hậu quả là một số quốc gia sẽ đối mặt với một thế giới khắc nghiệt hơn nhiều và việc thiếu vắng các quy tắc chung sẽ làm tăng nguy cơ xung đột toàn cầu.

Hồi cuối những năm 1930 và trong các năm 1940, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó là Cordell Hull đã đề xuất một trật tự thương mại toàn cầu sau chiến tranh, dựa trên các quy tắc, với lập luận rằng "thương mại tự do đi cùng với hòa bình; thuế quan cao, rào cản thương mại và cạnh tranh không lành mạnh đi cùng với chiến tranh”.

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1947 đã đặt nền móng cho việc thành lập WTO vào năm 1995 với mục tiêu cung cấp một khuôn khổ thể chế chính thức hơn cho việc đàm phán các hiệp định thương mại, thiết lập các quy tắc nhất quán và minh bạch, và xét xử các tranh chấp.

Trong 6 tháng tới, số phận của WTO sẽ được quyết định. Vào ngày 10/12, nhiệm kỳ của 2 trong số 3 thẩm phán còn lại trong cơ quan phúc thẩm của WTO sẽ hết hạn. Hiệp định WTO yêu cầu cơ quan này phải có tối thiểu 3 thẩm phán, vì vậy trừ khi có điều gì xảy ra trước đó, sau thời điểm trên, cơ quan này sẽ không có thể giải quyết các tranh chấp.

Mỹ đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán thay thế kể từ đầu năm 2018. Việc này đã dẫn đến 4 vị trí bị bỏ trống trong một hội đồng gồm 7 thành viên theo quy định của hiệp ước. Washington tin rằng cơ quan phúc thẩm của WTO đã vượt quá quyền hạn trong một số quyết định. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng lo ngại WTO không có cơ chế lập pháp cho việc bác bỏ các quyết định phúc thẩm.

Mặc dù Mỹ đã thắng trong nhiều vụ hơn là thua, nhưng cơ quan phúc thẩm của WTO đã liên tục bác bỏ phương pháp mà Mỹ áp dụng để tính các mức thuế trừng phạt đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.

Một số người còn nhận ra bàn tay của ngành công nghiệp thép và nhôm Mỹ đằng sau các tiếp cận mạnh mẽ của chính quyền Trump về thương mại: cả Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đều có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành này trước khi lên nắm giữ chức vụ.

Để hạn chế nhập khẩu thép và nhôm từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington đã áp dụng một điều khoản hiếm khi được sử dụng trong hiệp định WTO nhằm cho phép các nước tăng cường rào cản thương mại với lý do an ninh quốc gia của mình bị đe dọa. Mỹ từng đe dọa sẽ làm điều tương tự đối với ô tô nhập khẩu.

Tuy nhiên, không chỉ một mình Mỹ đang tấn công vào các quy tắc thương mại toàn cầu. WTO đã gặp rắc rối từ lâu trước khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ. Nhiều nỗ lực đàm phán lại hiệp định WTO đã thất bại vì không đạt được sự đồng thuận cần thiết cho các quyết định của WTO.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008, có một nguy cơ rõ ràng là các quốc gia sẽ dùng đến chủ nghĩa bảo hộ để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa. Hiểu rõ về mức độ tàn phá của cách phản ứng này sau cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930, các nền kinh tế G20 đã cam kết không áp dụng biện pháp tăng cường rào cản thương mại.

Tuy nhiên, theo phân tích của Tổ chức Giám sát Thương mại Toàn cầu (GTA), kể từ năm 2009, các nền kinh tế G20 đã áp đặt khoảng 20.000 biện pháp chính sách ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tương đối của các ngành công nghiệp nội địa với hàng nhập khẩu.

Báo cáo của GTA ước tính rằng hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của thế giới hiện đang phải cạnh tranh trong các thị trường có những biến dạng thương mại mà trước đây không hề có khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu.

G20 đã chính thức từ bỏ cam kết không áp dụng các biện pháp bảo hộ tại hội nghị thượng đỉnh ở Buenos Aires hồi tháng 12 năm ngoái, sau khi Mỹ từ chối ký các thông cáo lên án chủ nghĩa bảo hộ. Kể từ đó, G20 đã áp đặt 288 biện pháp bảo hộ ảnh hưởng đến khoảng 1.200 tỷ USD trao đổi thương mại, trong đó cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ chiếm khoảng 1/6.

GTA cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã không còn được sử dụng trước khi chính quyền Trump đưa mọi việc đến mức nguy hiểm. Số vụ kiện được đưa ra xét xử hàng năm đã dao động trong khoảng từ 10 đến 20 vụ trong phần lớn thập kỷ qua, bất chấp sự tăng trưởng về khối lượng thương mại và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Mỹ dường như không quan tâm đến các đề xuất cải cách của WTO. Cơ quan phúc thẩm chỉ là một trong những nội dung kêu ca của Mỹ về tổ chức này. Mỹ cũng phản đối mạnh mẽ việc các quốc gia có thể tự xác định mình là “các nước đang phát triển” để có quyền đặt ra các mức thuế cao hơn và sử dụng trợ cấp nhiều hơn mà lẽ ra không được hưởng.

Mỹ cũng cho rằng các quy định của WTO đã không nắm bao quát được tất cả các khoản trợ cấp mà các quốc gia như Trung Quốc đang áp dụng. Ngoài ra, còn có lo ngại về việc WTO đã thất bại trong việc đối phó với những thách thức của thương mại số.

Mỹ đã từ chối một đề xuất cải cách từ Liên minh châu Âu (EU) với sự ủng hộ của Australia, Canada, Trung Quốc, Iceland, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sỹ.

Cuộc họp giữa các Bộ trưởng Thương mại G20 tại Nhật Bản hồi đầu tháng này đã không đạt được kết quả nào. Các nước phát triển đã phản đối các đề xuất về một phương pháp chính thức và từng bước cho việc xác định thế nào là một quốc gia đang phát triển.

Tin liên quan
Tin khác