Loại hình condotel rất mong sớm được định danh để phát triển. |
“Mất điểm” với nhà đầu tư
Condotel một thời từng là phân khúc “hot” trong mắt các nhà đầu tư. Khi bán hàng, phần lớn chủ dự án đều đưa ra mức cam kết lợi nhuận khá hấp dẫn, 8-12%/năm, thậm chí có chủ dự án còn hứa hẹn lợi nhuận tới 15-18%/năm.
Cũng chính từ cam kết hấp dẫn này đã tạo lên một làn sóng cho các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2017 được xem là thời kỳ hoàng kim của condotel, khi các dự án ồ ạt mọc lên như nấm sau mưa. Sản phẩm đưa ra thị trường được hấp thụ rất tốt.
Nếu so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, gửi tiết kiệm hay cho thuê căn hộ cao cấp… thì rõ ràng lợi nhuận của condotel hấp dẫn hơn hẳn. Nhưng sau một thời gian làm mưa, làm gió trên thị trường, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang vỡ giấc mộng vì câu chuyện liên quan đến pháp lý của condotel.
Cụ thể, bắt đầu từ cuối năm 2019, sau sự cố tại dự án Cocobay Đà Nẵng, chủ đầu tư không thể thực hiện cam kết lợi nhuận với khách hàng và việc thu hồi “sổ đỏ” đã được cấp cho khách hàng tại một dự án khác đã khiến thị trường condotel bắt đầu gặp khó. Đến năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến dòng sản phẩm này “chết lâm sàng”. Hiện nay, mặc dù ngành du lịch đã mở cửa đón khách trở lại, nhưng vấn đề về pháp lý chưa được giải quyết đã khiến “đứa con lai” condotel dần mất điểm trong mắt nhà đầu tư.
Anh Hoàng Văn Huy, một nhà đầu tư lâu năm tại TP.HCM chia sẻ, năm 2019, anh đã mạnh tay vay ngân hàng, xuống tiền mua 5 căn condotel thuộc một dự án lớn tại Phú Yên với kỳ vọng đây sẽ là kênh đầu tư giúp anh hái ra tiền. Lúc đó, chủ đầu tư cam kết sẽ thuê lại với lợi nhuận 10%/năm.
Tuy nhiên, sau hơn một năm bỏ túi khoản lợi nhuận được chủ đầu tư chi trả, thì dịch bệnh ập đến. Việc cho thuê căn hộ không còn như trước do các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng khách du lịch. Gồng lãi ngân hàng được 5 tháng, anh quyết định bán 2 căn, giữ lại 3 căn chờ ngày thị trường phục hồi. Thế nhưng, quá trình chuyển nhượng không hề đơn giản do người mua nào cũng lo ngại tính pháp lý của loại hình sản phẩm này khi chưa được “chính danh”.
“Điều này khiến tôi cũng như nhiều nhà đầu tư trong tình cảnh tương tự vô cùng lo lắng, bởi rất nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Nếu không chuyển nhượng được thì chúng tôi sẽ phải đau đầu với bài toán trả lãi vay hàng tháng”, anh Huy nói.
Cần sớm được định danh
Câu hỏi được đặt ra lúc này là, đã có bao nhiêu tiền đổ vào condotel? Dù chưa có con số cụ thể, nhưng với số lượng dự án nằm dọc các bãi biển từ Bắc tới Nam thì ước tính có hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư đã đổ vào condotel. Nếu trong trường hợp condotel bị ách tắc thì dòng vốn khủng này sẽ bị chôn vùi trong đống tài sản nằm bất động đó. Điều này sẽ tạo ra sự mất thanh khoản của thị trường.
Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để bàn luận về vấn đề liên quan đến pháp lý condotel. Thế nhưng, sau nhiều chờ đợi, tại một hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, condotel sẽ chưa được thể chế hóa tại Luật Đất đai mới. Điều này đã gây hụt hẫng cho không ít doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Văn Kiều, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản An Land Group cho rằng, xu hướng phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel là tất yếu, nếu không sớm giải quyết tận gốc vướng mắc, thị trường sẽ khó phát triển.
Còn luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng Luật Thanh Niên cho hay, condotel đã ra đời nhiều năm, nhưng Luật Đất đai chậm sửa đổi, bổ sung, đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý, gây lúng túng trong quy trình quản lý.
Tương tự, ông Jack Nguyễn, luật sư Công ty Kiểm toán và Tư vấn Mazars nêu quan điểm, người mua condotel phải được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, bởi chủ sở hữu căn hộ condotel đầu tư với mục đích tạo thu nhập, điều này không khác nhiều so với việc họ mua căn hộ để ở và cho thuê lại.
“Nếu những người mua (nhà đầu tư) không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thì kinh doanh condotel sẽ không thể khởi sắc tại Việt Nam. Rủi ro được đề cập về condotel là rủi ro tín dụng không thực sự quan trọng vì vấn đề đó là giữa ngân hàng và nhà đầu tư, không liên quan đến các bộ, ngành. Vì vậy, Chính phủ nên ban hành luật cho phép các nhà đầu tư condotel được mua và sở hữu những bất động sản này tương tự như căn hộ chung cư”, ông Jack Nguyễn nêu quan điểm.