Đầu tư và cuộc sống
Tuyển sinh 2024: Nhiều trường mở thêm khối ngành chăm sóc sức khoẻ
D.Ngân - 22/01/2024 16:12
Theo thông tin từ các trường đại học, mùa tuyển sinh năm 2024 có nhiều ngành mới được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu người học trong đó ngành sức khoẻ vẫn có sức nóng nhất định.

Đại học Phenikaa mùa tuyển sinh năm 2024 sẽ tuyển sinh thêm 8 ngành mới gồm: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn); An toàn thông tin; Trí tuệ nhân tạo, Marketing; Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện và Y học cổ tuyển; nâng số ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh 48 và chỉ tiêu tuyển sinh là 9.896.

Theo thông tin từ các trường đại học, mùa tuyển sinh năm 2024 có nhiều ngành mới được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu người học trong đó ngành sức khoẻ vẫn chiếm.

Cùng với đó, phương thức tuyển sinh có sự thay đổi so với năm 2023. Cụ thể, phương thức tuyển sinh năm 2024 của nhà trường gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển dựa vào học bạ THPT; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) chính thức công bố đào tạo 2 ngành mới là Y tế công cộng trình độ đại học, mã ngành 7720701 và ngành Dinh dưỡng trình độ đại học, mã ngành 7720401 theo quyết định số 3667/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành ngày 08/11/2023.

Chương trình đào tạo chính quy tập trung 4 năm và có mức học phí rất ưu đãi đối với thí sinh nộp xét tuyển vào 2 ngành học tiềm năng. 2 ngành học xu hướng khi chăm sóc sức khoẻ chủ động lên ngôi.

Khi chất lượng sống ngày càng được nâng cao, người dân ngày càng chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, hướng đến các dịch vụ y tế có chất lượng cao. Ngành Y tế công cộng và Dinh dưỡng đều là những ngành học rất quan trọng và bắt kịp xu hướng thời đại trong việc nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho con người.

Y tế công cộng là ngành khoa học và nghệ thuật liên quan đến việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, với mục tiêu chính là thúc đẩy và cải thiện sức khỏe con người. 

Ngành Y tế công cộng đào tạo các kiến thức liên quan đến khoa học xã hội, y học và kiểm soát dịch bệnh bao gồm lập kế hoạch, nghiên cứu, giám sát và đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, đánh giá tình trạng sức khỏe cộng đồng.

Cử nhân ngành Y tế công cộng có thể làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, các tổ chức quản lý chăm sóc sức khoẻ như trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong lĩnh vực y học và sức khỏe.

Hiện nay nguồn nhân lực y tế công cộng đang thiếu hụt so với nhu cầu, đặc biệt khi dịch Covid - 19 xuất hiện và hệ thống y tế bị quá tải càng khẳng định sự cấp thiết về việc tập trung đào tạo cho ngành Y tế công cộng.

Trong khi đó, Dinh dưỡng là ngành không thể thiếu ở các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu của xã hội về việc được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, tư vấn,... đang ngày càng gia tăng và ngành Dinh dưỡng chính là một ngành học đang sở hữu nhiều triển vọng về việc làm trong những năm gần đây.

Theo học ngành Dinh dưỡng, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về dinh dưỡng như dinh dưỡng cộng đồng, lâm sàng, tế bào…

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Dinh dưỡng có thể công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế có khoa dinh dưỡng, các tổ chức thuộc ngành nghề chăm sóc sức khỏe, trung tâm kiểm soát bệnh tật hoặc tại các tổ chức y tế phi chính phủ, viện nghiên cứu về dinh dưỡng và thực phẩm.

Trường Đại học Việt Đức tuyển sinh 6 ngành học; trong đó có ngành mới là Kỹ thuật giao thông thông minh. TS.Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, đây là ngành cần thiết trong điều kiện Việt Nam phát triển thành quốc gia công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Từ năm nay, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) tuyển sinh thêm 2 chương trình đào tạo: Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính - Ngân hàng); Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử).

Năm 2024, trường Đại học Hoa Sen dự kiến tuyển sinh 4,000 chỉ tiêu đối với 33 chương trình đào tạo bậc đại học theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó 60% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Năm nay nhà trường tuyển sinh thêm 4 ngành học mới.

TS.Phan Thị Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho biết, năm nay trường dự kiến tuyển sinh thêm 4 ngành mới là ngành Công nghệ thông tin Việt - Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Luật và Truyền thông đa phương tiện.

Với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại HSU, bên cạnh việc sử dụng tiếng Trung vào giao tiếp phục vụ cho công việc hàng ngày, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung còn được cung cấp, trang bị kiến thức chuyên sâu về văn hóa Trung Quốc qua nhiều môn học chuyên ngành như: Tiếng Trung thương mại, Văn hoá kinh doanh, đất nước học Trung Quốc, kỹ năng biên-phiên dịch.

Chương trình cũng mang đến cho sinh viên cơ hội học tập và trải nghiệm thực tế thông qua các đề án thực hành, cuộc thi, Câu lạc bộ Tiếng Trung, giúp sinh viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp và hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh và xã hội Trung Quốc.

Đặc biệt, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khóa 2024 sẽ có cơ hội nhận các suất học bổng giá trị từ các doanh nghiệp và được hưởng mức học phí đặc biệt 45 triệu/năm.

Đối với ngành Luật, chương trình đào tạo được nhà trường xây dựng trên cơ sở có tính kế thừa các chương trình đào tạo tiên tiến của các cơ sở đào tạo Luật trong cả nước và nước ngoài; phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Các môn học trong chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao, một số môn học được xây dựng và giảng dạy bằng tiếng Anh. Với phương pháp đào tạo hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi mang tới cho sinh viên một môi trường học luật không khô khan, giàu thực tiễn cùng trải nghiệm ngành nghề một cách chuyên nghiệp.

Với thế mạnh về đội ngũ đào tạo, chương trình Truyền thông đa phương tiện, trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thực hành trong các lĩnh vực biên tập phim ảnh, thiết kế kỹ xảo trong quảng cáo truyền hình  sản xuất các sản phẩm audio, video, truyền thông số.

Sinh viên được hỗ trợ các phương tiện kĩ thuật tiên tiến, hiện đại để có thể hoàn thành các môn học một cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất. Nhiều môn học của ngành yêu cầu sinh viên phải thực hiện các dự án thực giúp các bạn có cơ hội tìm hiểu hoạt động thực tế và va chạm với các thử thách nghề nghiệp.

Đối với ngành Công nghệ thông tin Việt-Nhật, chương trình giúp sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn như lập trình, phân tích, thiết kế, phát triển ứng dụng, áp dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn; cũng như kỹ năng mềm như ngoại ngữ (tiếng Nhật), phong cách làm việc kiểu Nhật…

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Việt - Nhật có thể đảm nhận các công việc như kỹ sư phát triển phần mềm, thiết kế website, cán bộ vận hành, quản trị hệ thống mạng và công nghệ thông tin. 

Việc nhiều cơ sở giáo dục đại học mở thêm một số ngành mới cho thấy dấu hiệu tích cực của chủ trương, chính sách tự chủ, TS.Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, trước khi mở ngành, cần đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để không ảnh hưởng xấu đến thương hiệu nhà trường; trên hết là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Về phía các cơ quan quản lý, ngoài tăng cường giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ sở giáo dục đại học cần có trách nhiệm với người học, xã hội khi mở ngành, tránh hệ lụy không đáng có, như thất nghiệp sau khi ra trường, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc

Tin liên quan
Tin khác