Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2023, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.
Ảnh minh hoạ. |
Năm 2023, tỷ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT; năm 2022 tỉ lệ này là 61,34%.
Tuy các tỉ lệ trên thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê, trong kỳ tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022).
Dự kiến tỉ lệ nhập học sẽ tương tự như năm 2022 là khoảng 500.000 em. Như vậy, sẽ có khoảng 50% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mùa tuyển sinh đại học năm 2023 được giữ ổn định như năm 2022 với nhiều cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến 100. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng đáng kể với gần 3,4 triệu nguyện vọng.
Khẳng định công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng mầm non 2023 được ghi nhận, đánh giá là điểm sáng của ngành giáo dục trên cơ sở ứng dụng triệt để của công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thừa nhận, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo; thậm chí việc xét tuyển sớm còn làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường.
Thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Đồng thời, các đơn vị cũng định hướng công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài tuyển sinh, năm 2022 trong hoạt động giáo dục đại học, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thực tế là nhiều trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Hội đồng trường chưa kiện toàn thành phần theo quy định; chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn ban giám hiệu.
Nhiều đơn vị chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền hoặc ban hành văn bản, quy chế chưa đầy đủ và đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính; vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.
Ngoài ra, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo;
Chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...
Một số cơ sở giáo dục cũng chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ.
Đặc biệt, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.
Thời điểm này nhiều trường đại học vẫn đang tiếp tục thông báo tuyển bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu. Chẳng hạn, trường Đại học Thương mại thông báo tuyển sinh bổ sung các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học liên kết với các trường đại học đối tác nước ngoài.
Chỉ tiêu tuyển bổ sung các ngành như sau: Quản trị kinh doanh - 20 chỉ tiêu: Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm hoặc Ngân hàng, tài chính - 39 chỉ tiêu; Quản trị doanh nghiệp phân phối trong mạng lưới Logistics - 19 chỉ tiêu; Quản trị chuỗi cung ứng và phân phối - 26 chỉ tiêu; Thương mại bán hàng - 29 chỉ tiêu; Khời nghiệp kinh doanh - 23 chỉ tiêu; Quản trị du lịch và dịch vụ giải trí - 15 chỉ tiêu; Du học Trung Quốc 2+2 - 22 chỉ tiêu.
Nếu thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường yêu cầu phải có tổng điểm 3 môn thi bất kỳ thuộc các môn thi tốt nghiệp từ 20 điểm trở lên.
Nếu thí sinh xét tuyển bằng học bạ, trường yêu cầu kết quả học tập THPT 5 học kỳ và kết quả trung bình môn ngoại ngữ>= 6.5.
Nhà trường ưu tiên thí sinh đăng ký trước được xét tuyển trước cho đến hết chỉ tiêu. Đối với thí sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, VSTEP, HSK… được miễn học ngoại ngữ và giảm trừ học phí.
Trường Đại học Lâm nghiệp xét tuyển bổ sung bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ cho 24 ngành ở cơ sở 1.
Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, trường lấy điểm sàn từ 15, riêng ngành Thú y có điểm sàn là 16. Với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ, điểm sàn là 18.
Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển bổ sung 156 chỉ tiêu ở 4 ngành, gồm: Quản trị và An ninh, Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, Marketing và Truyền thông, Quản trị nhân lực và nhân tài.
Trường sẽ sơ tuyển kết hợp với xét tuyển. Tất cả thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển (gồm đánh giá hồ sơ và chỉ số EQ). Sau đó, thí sinh có thể xét theo điểm thi tốt nghiệp hoặc chứng chỉ IELTS (hoặc tương đương). Điểm sàn xét tuyển dao động 20,55-22. Cụ thể như sau:
Cùng điều kiện trên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào môn ngoại ngữ (Tiếng Anh/Nhật) của thí sinh tuyển bổ sung cũng phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ (Tiếng Anh/Nhật) từ 5 điểm trở lên; Kết quả học tập từng kỳ (6 học kỳ) môn Ngoại ngữ bậc THPT đạt tối thiểu 7,0 điểm; Chứng chỉ ngoại ngữ (Tiếng Anh/Nhật) theo bảng quy đổi...
Với các tổ hợp có môn ngoại ngữ thì điểm môn ngoại ngữ được tính theo một trong hai cách sau đây: Điểm thi tốt nghiệp THPT (tiếng Anh, tiếng Nhật); hoặc Điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ.
Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo tuyển sinh bổ sung 112 chỉ tiêu đại học chính quy năm 2023 các ngành: Quản trị kinh doanh hệ chất lượng cao; Quản trị kinh doanh hệ liên kết quốc tế; Giới và phát triển; Công tác xã hội (Cơ sở TP.HCM.
Ngoài các trường nêu trên, hiện nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước đã có thông báo tuyển bổ sung (đợt 2). Thí sinh có nguyện vọng vào trường nào, lưu ý đọc kỹ thông tin được đăng tải trên website và các kênh thông tin của trường đó để biết rõ về thủ tục hồ sơ và thời gian xét tuyển của từng đơn vị.