Áp lực học phí
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả tuyển sinh đại học đợt 1 có hơn 612.000 thí sinh trúng tuyển, đạt trên 92,7% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học.
Thực tế cho thấy học phí, nhất là khối ngành y dược đang là gánh nặng với nhiều sinh viên. |
Như vậy, trong 10 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay, có tới 9,2 người đỗ đại học - tỷ lệ cao cho thấy thực tế cánh cổng vào đại học rất rộng mở.
Gần như thí sinh cứ đăng ký xét tuyển đại học là trúng tuyển do được đăng ký nguyện vọng không giới hạn và xét tuyển từ cao xuống thấp, không có sự chênh lệch điểm chuẩn trúng tuyển giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, 3, 4… như kỳ thi vào THPT.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 494.000 thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học, đạt tỷ lệ 80,8% so với số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 thì thấy đây mới chính xác số liệu phản ánh tình trạng tuyển sinh của nhà trường.
Lý giải việc nhiều thí sinh không xác nhận nhập học, lãnh đạo một số cơ sở đào tại đại học cho rằng, số thí sinh không xác nhận nhập học đa phần rơi vào diện trúng tuyển nhưng ở các nguyện vọng dự phòng nên không hứng thú đi học.
Trong số thí sinh trúng tuyển đợt 1 bằng điểm thi tốt nghiệp, có không ít thí sinh đã có cơ hội trúng tuyển theo phương thức xét học bạ ở một trường khác.
Cũng có thể kể một thực tế là vẫn có thí sinh khá chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng. Nhiều trường hợp dù trúng tuyển nguyện vọng đặt ưu tiên hơn nhưng đó cũng không phải thực sự là nơi em muốn học nên các em kiến quyết không nhập học mà chờ xét tuyển đợt 2. Số thí sinh trúng tuyển song không biết phải xác nhận nhập học trên hệ thống nên bỏ lỡ cơ hội cũng không ít.
Bên cạnh đó, một số khác lại cho rằng, nhiều thí sinh không nhập học có thể do thay đổi mục tiêu tương lai, chọn đi du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay hoặc muốn nhập học vào trường khác bằng nguyện vọng bổ sung.
Giữa nhiều nguyên nhân trên, nhiều thí sinh khi được hỏi cho rằng, học phí cũng là nỗi lo của nhiều thí sinh và gia đình khi đứng trước ngưỡng cửa vào đại học.
Kinh tế ngày càng khó khăn, việc làm của phụ huynh bấp bênh, thu nhập sụt giảm trong khi cơ chế tự chủ đại học khiến học phí thì tăng cao khiến nhiều thí sinh từ bỏ con đường học đại học.
Và học phí tăng cao là nỗi lo của không chỉ thí sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà ngay tại thành thị, nhiều gia đình cũng chật vật để xoay xở đóng học phí cho con em mình.
Thực tế cho thấy học phí, nhất là khối ngành y dược đang là gánh nặng với nhiều sinh viên. Theo đó, học phí của ngành Y khoa, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến 5.500.000 đồng/tháng, tương đương 55 triệu đồng/năm;
Ngành Dược học dự kiến học phí 5.100.000 đồng/tháng, tương đương 51 triệu đồng/năm; các ngành còn lại học phí dự kiến 2.760.000 đồng/tháng, tương đương 27,6 triệu đồng/năm.
Trước đó, năm 2022, học phí các ngành hệ chuẩn của Trường đại học Y Dược là 2.450.000 đồng/tháng, tương đương 24,5 triệu đồng/năm; học phí ngành Răng - hàm - mặt hệ chất lượng cao thu 6 triệu đồng/tháng, tương đương 60 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Y Dược Hải Phòng công bố mức học phí cho năm học mới sắp tới với mức tăng ít nhất 30%, một số ngành thậm chí tăng gấp hai lần.
Cụ thể, ngành Y khoa, Dược học và Răng - hàm - mặt tăng từ 1,43 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/tháng; ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền tăng từ 1,43 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng; ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học tăng từ 1,43 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng/tháng.
Năm 2023, Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến tăng học phí từ 3 - 6 triệu so với năm 2022. Cụ thể, trường tuyển sinh 5 ngành với mức học phí: Ngành Y khoa, Dược, Răng - hàm - mặt, Y học cổ truyền: 55 triệu đồng/năm; ngành Điều dưỡng 40 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng gây chú ý với mức tăng học phí lên đến 3,5 lần. Cụ thể, ngành Y khoa, Y học cổ truyền của trường này có mức học phí cao nhất với 55,2 triệu đồng/năm.
Các ngành Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí 41,8 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Tân Tạo thu bình quân 150 triệu đồng/năm; ngành Răng - hàm - mặt của Trường Đại học Văn Lang học phí dao động khoảng 200 triệu đồng/năm, ngành Y khoa từ 170 - 196 triệu đồng/năm;
Ngành Răng - hàm - mặt của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là 180 triệu đồng/năm, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh có học phí 220 triệu đồng/năm học. Như vậy, nếu thuận lợi tốt nghiệp các trường này cũng phải đóng học phí hàng tỉ đồng - một con số quá sức với hầu hết các gia đình.
Đa dạng nguồn thu, giảm phụ thuộc vào học phí
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại Thương cho rằng, chi phí học tập là một trong những yếu tố quan trọng khi học đại học nhưng thí sinh đừng để tài chính hạn chế đam mê.
Hiện có nhiều kênh hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo; các nhà trường cũng có đa dạng chương trình học bổng và chính sách tài chính; do vậy chỉ cần thí sinh có đủ đam mê, đủ quyết tâm thì giảng đường đại học luôn rộng mở.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, học phí - nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong 3 năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp.
"Dẫu vậy, điều đó cũng sẽ không thay đổi được một thực tế là hiện nay nguồn thu của phần lớn các trường đại học của Việt Nam là từ học phí. Nên dù năm nay chưa tăng học phí song những năm sau, lộ trình tăng học phí là không thể tránh khỏi. Vì vậy, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía để học phí không là rào cản khi thí sinh chọn ngành, chọn trường đại học", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Trong đó, theo TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện nay chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ sinh viên mới chỉ giới hạn con gia đình nghèo.
Vị chuyên gia này dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới chỉ ra chính sách tín dụng sinh viên ở Việt Nam, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, còn thiếu hấp dẫn.
Phần đông sinh viên đi học hiện nay tự phải lo kinh phí từ nguồn gia đình, thiếu sự hỗ trợ lâu dài từ phía Nhà nước. Vì vậy, cần mở rộng chính sách tín dụng đối sinh viên để người học có nhu cầu có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập. Đây là điều mà học sinh, sinh viên và nhiều gia đình mong muốn nhất hiện nay.
Về phía các trường, để có thêm nguồn lực, theo TS.Khuyến cần phải xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình, đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng quỹ học bổng và cơ chế tài chính để hỗ trợ sinh viên khi học phí tăng.