Các doanh nghiệp vàng miếng vẫn nới rộng biên độ mua bán giá vàng |
3 ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh thêm 1% tỷ giá, nới biên độ mua bán cho các nhà băng thương mại từ 2% lên 3%, đồng đôla vẫn chưa hạ nhiệt khi ngày càng tiến sát mốc trần 22.547 đồng. Chênh lệch hai chiều mua bán đôla tại các ngân hàng vẫn duy trì khá rộng từ 90-100 đồng. Sáng 22/8, một đôla tại Eximbank, ACB, Techcombank đổi được 22.545 đồng - chỉ cách 2 đồng so với trần tỷ giá mới. Tại Vietcombank, tỷ giá bán USD/VND cũng là 22.540 đồng.
Trên thị trường tự do, giá mua bán cũng đã tăng thêm 90-100 đồng so với sáng qua. Một số điểm thu đổi ngoại tệ báo mua đôla Mỹ ở 22.700 đồng và bán ra ở 22.750 đồng.
Trong khi đó, giá vàng SJC sáng nay vẫn trên ngưỡng 35 triệu đồng. Mở cửa đầu ngày, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI báo giá mua vào bán ra ở 34,9 - 35,3 triệu đồng một lượng, tăng 200.000 đồng so với cuối ngày 21/8. Chênh lệch giữa mua và bán cũng được DOJI nới rộng lên 400.000 đồng một lượng. Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vẫn giữ giá như cuối ngày hôm qua khi mua vào bán ra ở 34,4 - 35,3 triệu đồng.
Diễn biến này chủ yếu do giá vàng thế giới vẫn tiếp tục đà tăng. Mỗi ounce vàng khép tuần chạm 1.160 USD. Quy đổi tiền Việt, mỗi lượng vàng khoảng 31,5 triệu đồng.
Trong tuần qua, giá vàng trong nước đã trải qua 3 đợt biến động mạnh. Đợt đầu sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh 1% tỷ giá, nới biên độ từ 2% lên 3% hôm 19/8, giá vàng liên tục nhảy múa, chiều bán ra tăng 950.000 một lượng chỉ trong một giờ giao dịch đầu ngày. Chênh lệch mua và bán cũng nới rộng từ 100.000 đồng lên 700.000 đồng.
Đợt thứ hai diễn ra vào ngày 20/8 khi giá vàng SJC tăng 200.000 đồng một lượng so với cuối ngày hôm trước. Theo lý giải của Tập đoàn DOJI, giá vàng trong nước tăng chủ yếu nhờ lực đẩy từ thị trường thế giới khi nhiều thông tin gây bất lợi từ nền kinh tế Mỹ như Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 thấp hơn dự đoán, số nhà cấp phép xây dựng cũng thấp...
Mốc tăng thứ 3 diễn ra hôm qua 21/8 khi giá vàng quốc tế tiếp tục dậy sóng tăng gần 30 USD mỗi ounce. Vì vậy, giá trong nước cũng bứt phát vượt mốc 35 triệu đồng và đạt đỉnh 35,45 triệu đồng vào đầu giờ chiều. Cũng theo nhóm phân tích của DOJI, giá tăng lúc này chủ yếu do nguồn cung khan hiếm khi một số nhà đầu tư và tổ chức mua vào khớp lại trạng thái bán trước đó. Nhưng đến gần giờ trưa, khi thế giới giảm nhiệt, xuất hiện hiệu ứng bán lại từ khách hàng nhỏ lẻ.