Mặc dù hiện VND đã mất giá gần 5% tính từ đầu năm 2024 và có thể tiếp tục mất giá trong quý III/2024 cho đến khi nào Fed hạ lãi suất, nhưng theo giới phân tích tài chính, sau giai đoạn trên, tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.
Một phần được các chuyên gia phân tích tài chính đưa ra dự báo rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 và quy IV/2024, đồng thời tỷ giá được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại, lượng kiều hối tiếp về Việt Nam tục tăng trưởng tốt và vốn FDI giải ngân tích cực. Đây là những yếu tố sẽ hỗ trợ bình ổn tỷ giá nửa cuối năm.
“Quan điểm của chúng tôi là VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 VND/USD trong quý III/2024, 25.000 trong quý IV/2024, 24.800 trong quý I/2025 và 24.600 trong quý II/2025”, các chuyên gia phân tích của UOB dự báo.
Tỷ giá sẽ đạt 25.000 đồng/USD quý cuối năm |
Thế nhưng, Ngân hàng UOB cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp nên nghiên cứu, phân tích và sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình.
Trong khi đó, Shinhan Bank nhận định rằng, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt. Tỷ giá VND/USD bình quân năm 2024 dự kiến ở mức 25.040 VND/USD.
Lý giải về nhận định tỷ giá VND/USD sẽ tăng trong quý III/2024, chuyên gia kinh tế cấp cao của Shinhan Bank Lee Young Hwa cho rằng, việc tỷ giá còn áp lực là điều không thể tránh khỏi do các yếu tố bên ngoài như chênh lệch lãi suất với Mỹ, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và xung đột địa chính trị.
Theo ông Hwa, năm 2024, dù các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện, tỷ giá VND/USD vẫn tăng lên mức cao kỷ lục do USD mạnh và những diễn biến bất ổn tại Trung Quốc. Về cơ cấu thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, do vậy kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những nỗ lực hạn chế đà tăng tỷ giá bị giới hạn do các yếu tố tích cực trong nước chỉ xuất hiện sau khi Fed xoay trục chính sách. Với tốc độ lạm phát giảm chậm, triển vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed đã giảm so với đầu năm.
Tuy nhiên, kỳ vọng về việc xoay trục chính sách vẫn còn khi chỉ số CPI tháng 5-6 cho thấy tín hiệu hạ nhiệt. Cùng với sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của NHNN trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự đã góp phẩn hạn chế tỷ giá VND/USD tăng cao.
VND sẽ mất giá nhẹ và dự kiến phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.
Các chuyên gia phân tích của MBS cũng cho rằng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 VND/USD trong tháng 7/2024 nhờ hỗ trợ từ những yếu tố vĩ mô tích cực. Đáng chú ý, các thị trường đang giảm dần kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ cắt giảm lãi suất. Chỉ số DXY gần hết tháng 7 quanh mức 104 điểm.
Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng đưa ra nhận định rằng, trong nửa đầu năm 2024, NHNN đã duy trì lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 3% và 4,5% kể từ tháng 6/2023 dù VND chịu áp lực mất giá khi Fed vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để ứng phó với tình trạng lạm phát Mỹ dai dẳng.
Sau một loạt các biện pháp can thiệp trên thị trường mở, bán ngoại tệ dự trữ, kiểm soát thị trường vàng, tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định trở lại từ giữa tháng 4/2024. Đà tăng CPI có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2024 và vẫn trong ngưỡng mục tiêu 4-4,5%.
Tuy nhiên, theo bà Ly, việc Fed có thể tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất hoặc giảm chậm và nhẹ hơn so với các NHTW khác trên toàn thế giới có thể khiến cho USD vẫn mạnh lên so với các đồng tiền khác trong thời gian dài hơn. Và khi tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, sẽ thúc đẩy lạm phát tăng, làm gia tăng áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Về tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, đây là một vấn đề lớn, phức tạp trong quá trình điều hành thời gian qua. Tỷ giá có quan hệ tổng hoà với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, rất nhiều vấn đề lớn như vậy nhưng tỷ giá vẫn ổn định, mức mất giá khoảng 4,4%, thấp hơn so với nhiều nước, có nước mất tới 7%, 11%. Phó Thống đốc nhận định, mức mất giá của VND như vậy là mức hợp lý.
"Chúng ta không thể căng cứng, cố định tỷ giá trong bối cảnh như vậy. Chúng ta điều hành tỷ giá sao cho hài hoà, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ", ông nói.
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm sẽ rất uyển chuyển, linh hoạt, năng động. Giai đoạn tới cũng có thể xuất hiện những cơ hội thuận lợi hơn. Về lãi suất của Fed, chúng ta không thể cứ chờ đợi mà phải có giải pháp chủ động để điều hành linh hoạt các công cụ, đồng bộ.