Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả hai chiều mua và bán ra. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá thế giới quy đổi đã nới rộng thêm, từ gần 11,4 triệu đồng lên 11,7 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng tiếp tục suy giảm và đang hướng đến mức giá thấp nhất trong vòng 3 tuần trước áp lực tăng cao của đồng USD và lợi suất trái phiếu trái phiếu chính phủ Mỹ. Cùng với đó, tâm lý giới đầu tư cũng đang thận trọng trước khi dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ được công bố.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới quy đổi nới rộng từ đầu tháng 8 đến nay - Nguồn: BTMC |
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,11% lên 1.935,84 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,11% lên 1.970,1 USD/ounce.
Trong báo cáo mới được ADP công bố ngày 2/8, đã có 324.000 việc làm ở khu vực tư nhân tại Mỹ được tạo ra trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mức tăng 189.000 mà các nhà kinh tế đã dự báo. Những con số mới công bố cho thấy sức khỏe thị trường việc làm vẫn tốt cho thấy khả năng phục hồi của thị trường lao động vẫn được duy trì.
Do đó, báo cáo việc làm của nền kinh tế hàng đầu thế giới vào thứ Sáu (4/8) có thể ảnh hưởng đến lập trường chính sách tiền tệ và tài khóa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Con số bảng lương phi nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 200.000 việc làm, so với mức tăng 209.000 trong báo cáo tháng 6.
Ryan McKay, nhà chiến lược gia hàng hóa của TD Securities cho rằng, gần như tâm điểm của thị trường đang dồn vào vào tình hình việc làm tại Mỹ dự kiến được công bố vào 4/8, nhất là sau khi đã nhận được những thông tin tích cực. Điều này phần nào đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin về việc Fed có thể sẽ duy trì môi trường lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại trên 4%; trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ đang giao dịch ở mức cao nhất trong 4 tuần cũng gây ra áp lực lớn đẩy giá vàng xuống mức đáy thấp nhất trong vòng 3 tuần.
Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của WGC, nhu cầu vàng (không bao gồm thị trường OTC) giảm 2% so với cùng kỳ xuống còn 921 tấn trong quý II, mặc dù tổng nhu cầu (bao gồm thị trường OTC) tăng 7% so với cùng kỳ. Những thay đổi trên cho thấy thị trường vàng vẫn ổn định trên toàn cầu.
Nhu cầu về vàng của ngân hàng trung ương trong quý II/2023 đã giảm so với cùng kỳ xuống còn 103 tấn, chủ yếu do hoạt động bán ròng tại Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã mua số lượng vàng kỷ lục: 387 tấn trong nửa đầu năm, và nhu cầu vàng hàng quý vẫn có chiều hướng tích cực trong dài hạn, cho thấy rằng hoạt động mua của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ trong suốt cả năm.
Trong đó, hoạt động rút vốn ra khỏi quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng chạm mức 21 tấn trong quý II/2023 ít hơn đáng kể so với mức 47 tấn trong cùng quý năm 2022, và góp phần khiến tổng số vốn rút ròng trong nửa đầu năm đạt 50 tấn.
Cũng theo vị chuyên gia từ TD Securities, vàng có thể sẽ giảm xuống mức 1.900 USD nhưng sẽ nhận được hỗ trợ mạnh mẽ tại vùng đó do thị trường đang bước đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,15% xuống 102,38 điểm.
Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.634 - 25.016 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.590 đồng/USD (mua vào) và 23.930 đồng/USD (bán ra).