Rau quả Việt Nam bày bán tại siêu thị của Anh. |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi tròn 1 năm, thực sự mở ra một tuyến đường "cao tốc" hai chiều, thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Vương quốc Anh theo hướng cân bằng hơn. Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới"..
UKVFTA được ký chính thức tại Luân Đôn, Vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021, và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, UKVFTA là một trong những FTA thế hệ mới, bên cạnh CPTPP hay EVFTA mà Việt Nam đang tham gia, những cam kết tại UKVFTA được kỳ vọng giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư thương mại theo hướng hiện đại, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, với những cam kết sâu về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, UKVFTA được mong đợi là đòn bẩy mạnh mẽ cho trao đổi thương mại, thu hút đầu tư.
Ông ví von, 2021 là năm "vạn sự khởi đầu nan cho tiến trình thực thi UKVFTA". Thời điểm hiệp định có hiệu lực, đặt trong bối cảnh cả 2 nước cùng đối diện với đại dịch, gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu.
Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn đo đại dịch nhưng thương mại song phương vẫn tăng hơn 17% so với 2020, hơn 6,6 tỷ USD, quay trở lại với tăng trưởng như năm 2019 trước đại dịch. Trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD hàng hóa sang Anh, nhập khẩu từ Anh hơn 800 triệu USD, tâng hơn 24%.
"Đầu tư từ Anh vào Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ sau brexit. Năm 2021 có 48 dự án FDI từ Anh vào Việt Nam được cấp mới, với số vốn 53 triệu USD, tăng 157% so với cùng kỳ. Vương quốc Anh đang nằm trong số 15 quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Các nhà đâu tư Anh hiện đã đầu tư vào Việt Nam trên 4 tỷ USD", Thứ trưởng Khánh thông tin.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (Britcham) cho biết, UKVFTA sẽ mang lại cơ hội tăng cường thương mại, đâu tư và thúc đẩy sự tăng trưởng cho cả Việt Nam và Vương quốc Anh. "Dù đại dịch nhưng đường bay giữa 2 nước đã mở lại, các thỏa thuận hợp tác giữa các Tập đoàn, doanh nghiệp 2 nước hồi cuối năm ngoái trong chuyến thâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh và dự Corp 26 sẽ là tiền đề để đầu tư, thương mại đạt được những thành tựu mới".
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, UKVFTA đã mang lại tác động rất tích cực trong thương mại. So với xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 tăng 19%, có thể xuất khẩu sang Anh chưa cao bằng (gần 16%), nhưng nhìn ở góc độ nếu chưa có UKVFTA, chưa chắc xuất khẩu sang Anh chưa chắc đã có được mức tăng trưởng này.
"UKVFTA đi vào hiệu lực trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen, nhất là năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tác động cộng hưởng từ UKVFTA đã mang lại tac động tích cực về thương mại, đầu tư", bà Trang nhấn mạnh.
Tính bổ sung một cách tuyệt đối trong thương mại 2 chiều Việt - Anh, không có sản phẩm nào cạnh tranh trực tiếp đối đầu đã tiếp sức cho xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD trong năm qua. Việt Nam xuất khẩu nhiều điện thoại, linh kiện, nông sản sang Anh, trong khi Anh cung cấp nhiều dược phẩm cho Việt Nam.
Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho hay: "Nhiều điện thoại di động mang thương hiệu Samsung bày bán tại Anh do Tập đoàn của Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam đã được xuất sang Anh, hay rất nhiều các loại linh kiện điện tử, Anh cũng nhập từ Việt Nam. Chuỗi cung ứng hàng hóa đã thay đổi từ khi UKVFTA đi vào thực thi. Ông nhấn mạnh, dư địa để khai thác UKVFTA còn rất lớn, nhưng Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều hơn để khai thác tốt hiệp định này trong thời gian tới.
Về điều này, bà Trang cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA, một bộ phận doanh nghiệp đã tận dụng đươc tương đối tốt là do họ có sự chuẩn bị, nhưng đâu đó thì nhận thức của doanh nghiệp về các FTA vẫn còn hạn chế. Mới có gần 20% doanh nghiệp hiểu về UKVFTA. Với mức độ thấp như vậy, doanh nghiệp cần được phổ biến nhiều hơn về hiệp định. Đơn cử như hạn ngạch với gạo xuất đi Anh, cơ chế cấp hạn ngạch như thế nào, để hưởng ưu đãi thì làm gì", bà Trang nhấn mạnh.