Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. |
Nông sản tắc ở đâu thì thông ở đấy, còn không thông được thì "tiên trách kỷ hậu trách nhân", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về giải pháp căn cơ để giải bài toán đến hẹn lại lên, nông sản ùn ứ nghiêm trọng ở biên giới phía Bắc.
Bên cạnh sản xuất, cung ứng, điều hành giá xăng xầu, thì ùn ứ nông sản với tình trạng lúc cao điểm có tới hơn 5.000 xe chở nông sản nẳm chờ ở biên giới đã khiến các vị đại biểu Quốc hội dồn dập chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Nguyên nhân ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu thời gian qua, theo ông Diên là do Trung Quốc thực hiện Zezo Covid-19 và hàng hóa nông sản của Việt Nam bán qua biên giới chủ yếu qua tiểu ngạch, nên sản phẩm xuất sang chủ yếu không theo quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn.
Ông Diên cho biết, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thống nhất quan điểm là trao đổi với Trung Quốc để xây dựng quy trình thông quan vùng xanh cho hàng hóa ở biên giới. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu hỗ trợ các chủ vận tải, thông tin thường xuyên với những địa phương có sản phẩm để hợp tác tốt khi cửa khẩu phía bạn không mở do Covid-19, không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu.
Về giải pháp, Bộ chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa theo cả truyền thống và thương mại điện tử. Chỉ đạo thương vụ ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương, để mở rộng thị trường.
Chưa hài lòng, một số đại biểu dùng quyền tranh luận, chất vấn về giải pháp căn cơ để không lặp lại cảnh đến trên 5.000 xe ùn ứ một lúc và được mùa mất giá cứ tái diễn.
Trả lời, ông Diên nêu nhiều nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, trong đó có thông tin quan trọng là cách đây gần một tuần đã trình đề án hàng hoá xuất khẩu qua biên giới theo tiêu chuẩn chính ngạch. Sau khi được phê duyệt thì triển khai xuống địa phương, nếu địa phương không triển khai được thì còn có trách nhiệm của địa phượng.
Tắc ở đâu thì thông đấy còn không thông được thì tiên trách kỷ hậu trách nhân, dứt khoát phải quay lại sản xuất theo tiêu chuẩn và tín hiệu thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm.
Với thị trường Trung Quốc, ông Diên khẳng định là phải chinh phục, và "chỉ còn cách thay đổi mình chứ bắt người ta theo mình thì khó".
Người đứng đầu ngành Công thương cũng hơn một lần nhấn mạnh rằng, phải quan tâm đúng mức đến thị trường 100 triệu dân trong nước, đáp ứng yêu cầu của thị trường này trước, chứ không nên chỉ coi trọng xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 109,9 tỷ USD, tăng mạnh 30,5% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 33,1%. Trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 55,95 tỷ USD, chỉ tăng 14,5% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 16,6%; nhập siêu năm 2020 là 53,95 tỷ USD.
Đặc biệt, trong tháng 1/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 10,76 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 3,91 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2021 .
Về mặt hàng nông thủy sản, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông thủy sản Việt Nam - Trung Quốc 11 tháng năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD chỉ tăng 14,5% (có 9/11 nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng; có 2/11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm), nhập khẩu đạt 2,85 tỷ USD tăng mạnh 37,4%.
Xuất khẩu nông sản qua hình thức giao dịch thương mại “tiểu ngạch” tại các cửa khẩu hiện nay chiếm chủ yếu trên 90% giao dịch thương mại, trong khi hình thức giao dịch thương mại “chính ngạch” chỉ chiếm dưới 10%, cơ quan của Quốc hội lưu ý.