Trước yêu cầu của công tác chuyển đổi số trong ngành Y tế, thời gian qua các cơ sở y tế đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử.
Theo đó, cùng với các cơ sở y tế lớn của cả nước, các bệnh viện top đầu tại Hà Nội đang trong lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, loại bỏ bệnh án giấy.
Thực hiện bệnh án điện tử đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. |
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, theo lộ trình triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy mà Bộ Y tế đề ra, giai đoạn 2019-2020, Hà Nội có 7 bệnh viện thực hiện.
Là một trong 7 cơ sở y tế tại Thủ đô tiên phong thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, hơn 2 năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đầu tư tâm huyết, nhân lực, cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết, chỉnh sửa phần mềm để tích hợp các hệ thống.
PGS.TS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng tại các khoa, phòng; bệnh nhân được quản lý bằng mã số; thông tin về các lần khám chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học.
Nói thêm về lợi ích khi thực hiện bệnh án điện tử, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, nhờ việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, nhất là giúp cho bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc; đồng thời tiết kiệm diện tích, không gian cho việc lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy so với trước kia.
Với người bệnh, bệnh án điện tử cũng giúp họ không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, như kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc.
Được biết, ngoài bệnh án điện tử, nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã hỗ trợ cho tuyến dưới rất tốt, góp phần cứu sống nhiều sản phụ mắc các bệnh lý hiếm gặp, khó.
Trong lĩnh vực sản khoa, việc chẩn đoán mang tính tối cấp. Nếu được chẩn đoán từ xa kịp thời, chắc chắn sẽ giảm thiểu tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm cả những ca chẩn đoán sai và những ca xử lý sai lầm phải chẩn đoán lại, nâng cao hiệu quả điều trị.
Cam kết của lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất vào bất kỳ thời điểm nào mà các bệnh viện trong mạng lưới cần.
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện chỉ có khoảng 20 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy như Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh; Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh; Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ...
Bên cạnh đó, có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Các cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế, ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.