Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) được kỳ vọng đóng góp 14.000 tỷ đồng vào kinh tế Việt Nam trong năm 2030, tăng trưởng ứng dụng 50%, góp phần cá nhân hóa, hỗ trợ theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, hiện chỉ có 36% doanh nghiệp tìm hiểu, còn con số thực tế triển khai chỉ 9%.
Chia sẻ về tiềm năng của AI tạo sinh, ông Ajay Kushwaha - Giám đốc cấp cao, Kiến trúc doanh nghiệp, Khu vực ASEAN của Salesforce cho biết, AI có khả năng làm việc 24/7, có thể lập tức báo thông tin cho con người và làm việc với khách hàng. Hơn nữa, ngày nay trên thế giới có nhiều nguồn đầu tư nên các mô hình AI được phát triển từng ngày. Tại Việt Nam, nhu cầu thị trường cũng rất lớn tuy nhiên vẫn chưa tận dụng hết.
Với chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” - Ngày hội Trí tuệ nhân tạo - AI4VN 2024 được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều giải pháp cho doanh nghiệp.
Ông Cao Vương, Nhà sáng lập AIVA Group cũng đưa ra thực trạng ứng dụng AI trên thế giới. Theo ông, sau 5 năm cầm chừng ở mức dưới 50-60%, việc ứng dụng AI và AI tạo sinh có mức tăng trưởng lần lượt 72% và 65% trong năm 2024, phản ánh sự chuyển mình trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh.
Với marketing, các công việc ứng dụng AI nhiều nhất gồm viết bài (85,1%), viết quảng cáo (47,8%), nghiên cứu từ khóa (37,5%), bài đăng mạng xã hội (34,7%)... Ông cũng dẫn chứng, 92% doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 đã ứng dụng GenAI giúp tăng doanh thu gần 16%.
"73% các phòng marketing đã sử dụng AI tạo sinh bởi các nhà tiếp thị tin rằng công nghệ có tính sáng tạo này sẽ giúp họ tiết kiệm trung bình 5 giờ làm việc mỗi tuần", ông Vương khẳng định.
Còn ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA chia sẻ, AI đang được ứng dụng trong mọi mặt của quản trị doanh nghiệp, từ bán hàng, lên kế hoạch đến giám sát. Ông ví dụ, AI giúp người dùng viết email nhanh gấp 36 lần, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh gấp 24 lần, lập trình viên thi công giao diện website nhanh hơn 10 lần...
"Ứng dụng AI vào sản phẩm để phục vụ gần 1 triệu doanh nghiệp SME vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam", ông Quang khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Đăng Ngọc, Phó giám đốc khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo Viettel AI, nếu như trước đây, khách hàng phải mất một buổi để đăng ký các dịch vụ ở trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc văn phòng giao dịch thì ngày nay, với AI, có thể rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn vài phút, ngay tại nhà.
Hệ thống tự động hóa xử lý hồ sơ trong ngành ngân hàng giúp ngân hàng giảm 48% thời gian xử lý, tự động hóa tác vụ giao tiếp khách hàng giúp giải phóng nhân sự, tăng năng suất 200% so với trước đây.
Ông Ngọc lấy ví dụ, thời kỳ Covid, nhờ ứng dụng AI do Viettel phát triển, một ngân hàng đã có thêm 1 triệu thuê bao mới. Đơn vị này tự động hoá toàn bộ quy trình của doanh nghiệp, từ ghi nhận thông tin đến chăm sóc sau khách hàng.
Không chỉ trong dịch vụ, những năm qua AI cũng được ứng dụng sâu rộng trong các ngành sản xuất. Bà Đặng Huỳnh Mai Anh - Giám đốc dữ liệu và phân tích Heineken Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đang ứng dụng AI từ khâu sản xuất cho đến người dùng cuối.
"Chúng tôi có nền tảng để kiểm soát từ khâu sản xuất, đến việc nhân viên tự kiểm soát KPI và các đối tượng bán lẻ cần tăng doanh thu", bà Mai Anh nói.
Để làm được điều đó, Heineken nhìn nhận dữ liệu, data là nguồn tài sản mới, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhưng tích luỹ nhiều dữ liệu mà không sử dụng hợp lý sẽ thành món nợ do chi phí vận hành, lưu trữ tốn kém. Vì vậy bài toán doanh nghiệp phải đối mặt chính là việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả.
Bà Mai Anh cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nhân tài Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Heineken. Hiện tại, doanh nghiệp này có hai trung tâm công nghệ phục vụ toàn APEC đều đặt tại Việt Nam.