Doanh nghiệp
Ứng dụng gọi xe tại Việt Nam: “Cựu binh” ngã ngựa, “tân binh” thế chỗ
Hữu Tuấn - 25/03/2018 23:06
Thị trường Việt Nam sẽ có nhiều xáo trộn lớn, khi ứng dụng gọi xe Uber rút lui, bán lại cho Grab và ứng dụng Go-Jek “thế chỗ”.

Uber rút lui

Uber đã “đồng ý về nguyên tắc” rút khỏi thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để đổi lại khoảng 30% cổ phần trong Grab. Đó là thông tin nóng hổi mà tờ The Wall Street Journal vừa đăng tải. Hiện, các chi tiết của thương vụ này đang được thực hiện và sẽ sớm công bố trong thời gian tới.

Nguyên nhân Uber “từ bỏ” Đông Nam Á là do tình hình thua lỗ liên tục trên toàn thế giới trong thời gian qua. Tính đến hết năm 2017, Uber dù đạt doanh thu 7,37 tỷ USD, nhưng lỗ lũy kế đến 4,46 tỷ USD. Vì vậy, thương vụ này có thể giúp Uber có thêm tài chính để thực hiện đợt IPO trong năm 2019.

.

Trước đó, năm 2017, Uber đã hợp nhất với Yandex.Taxi (ứng dụng gọi xe và chia sẻ chuyến đi nổi tiếng tại Nga) thành lập liên doanh để đổi lấy 37% cổ phần tại Công ty này. Phương thức tương tự cũng đã được Uber tiến hành năm 2016, khi bán công ty của mình tại Trung Quốc cho Didi Chuxing để lấy 20% cổ phần tại Didi.

Nếu hoàn tất mua lại mảng dịch vụ của Uber, Grab sẽ trở thành dịch vụ gọi xe lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có nhiều cơ hội để mở rộng hơn tại khu vực được đánh giá là thị trường Internet lớn thứ 4 thế giới với 640 triệu dân này.

Tuy nhiên, sau khi Uber rút lui, thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam không chỉ còn lại “ông lớn” Grab, mà có thể xuất hiện thêm một “tân binh” là Go-Jek, một ứng dụng công nghệ dịch vụ xe máy - xe taxi có trụ sở tại Indonesia.

Theo nguồn tin của DealStreetAsia, hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển nổi tiếng Indonesia Go-Jek đang tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, đặt một bước chân để thâm nhập vào thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á.

Tháng 10/2017, Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek thông báo sẽ khởi động thêm tại 4 quốc gia thành viên ASEAN. Sau Indonesia và Philippines, Go-Jek có thể sẽ “nhảy vào” Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… “Go-Jek sẽ tìm đến những thị trường có dân số lớn”, Nadiem Makarim tiết lộ.

Với giải pháp thanh toán điện tử trên di động, Go-Jek kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tới lượng lớn người dùng không tiếp cận nhiều với dịch vụ tài chính ngân hàng.

Gần đây, Go-Jek đã thu được hơn 1 tỷ USD tài trợ từ KKR và Tencent. Tại Indonesia, cả Uber và Grab cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với Go-Jek. Hãng này cũng đã nhanh chóng mở rộng từ cung cấp dịch vụ vận chuyển đến các dịch vụ như gói hàng và giao hàng thực phẩm.

Như vậy, trong thời gian tới, thị trường ứng dụng công nghệ gọi xe tại Việt Nam sẽ có biến động rất lớn với sự rút lui của Uber và sự xuất hiện của Go-Jek. Rất có thể, một “cuộc chiến” mới sẽ được khởi tranh tại thị trường Việt Nam giữa hai ông lớn này.

Thị trường Việt Nam sẽ ra sao?

Thương vụ Grab thâu tóm Uber sẽ tác động không nhỏ đến thị trường Việt Nam và rộng ra là cả thị trường Đông Nam Á.

Suốt một thời gian dài, Uber và Grab cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp khác bằng các mã khuyến mại cho khách hàng, nay sẽ “thống nhất về một mối”. Trước khi Go-Jek chính thức vào thị trường, Grab sẽ là “ông lớn” duy nhất còn lại tại Việt Nam. Như vậy, người dùng rất có thể bị giảm cơ hội được hưởng các mã khuyến mại.

Cũng không loại trừ khả năng, Grab sẽ tăng giá vận chuyển, tăng tỷ lệ doanh thu với lái xe. Điều này rất dễ xảy ra khi chỉ có một hãng chiếm thị phần lớn và gần như độc quyền.

Vì vậy, những động thái vừa qua của Go-Jek là tín hiệu tích cực cho thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, khi xuất hiện thêm đối thủ cạnh tranh mới có khả năng tài chính, công nghệ mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, những hãng taxi truyền thống của Việt Nam hay các ứng dụng công nghệ gọi xe như Vivu (FaceCar), Carento, 123 Xe... sẽ có cơ hội lấy lại thị trường, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các hãng taxi truyền thống có thể cạnh tranh với Grab và các ứng dụng công nghệ có thể “bật lên”, nếu không có sự đầu tư lớn, mạnh và sự ủng hộ của người dùng.

Trong khi đó, một “đại gia” ẩn mặt sẽ được hưởng lợi lớn từ các thương vụ này là SoftBank (Nhật Bản). Năm 2017, Didi Chuxing và SoftBank đầu tư 2 tỷ USD vào Grab. SoftBank cũng đã đầu tư 9,3 tỷ USD để nắm giữ 15% cổ phần của Uber. “Đại gia” này có chân trong cả Uber, Grab và đầu tư rất lớn vào gần như tất cả các ứng dụng công nghệ gọi xe lớn tại châu Á.

SoftBank muốn Uber thực sự tập trung cho thị trường Mỹ và châu Âu. Chính vì vậy, ngay sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm phần lớn cổ phần của Uber, SoftBank đã muốn Uber rút khỏi thị trường châu Á. Như vậy, SoftBank sẽ không phải lo ngại các khoản đầu tư của mình đấu với nhau và có thể thâu tóm thị trường trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác