Thời sự
Ủng hộ phân cấp triệt để cho cấp huyện trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Nguyễn Lê - 16/01/2024 09:03
Cơ quan của Quốc hội ủng hộ phương án đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thống nhất lựa chọn phương án thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2024-2025.

Nội dung trên được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề cập trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trình bày trong phiên họp sáng 16/1 của Quốc hội.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày nội dung trên, cho biết Chính phủ đề xuất cả phương án 1 là chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Hội đồng Dân tộc thấy rằng, việc thực hiện chính sách này là triển khai nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 100/2022/QH15. Dự thảo của Chính phủ đã sửa theo hướng giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nội dung phân cấp đối với cấp huyện, Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho hay, cơ quan thẩm tra thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Với phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến cho rằng cũng nên cân nhắc đối với sự cần thiết thực hiện chính sách này, vì hiện nay thời gian thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn rất ngắn và các đánh giá tác động chưa được đầy đủ. Vì vậy, có thể quy định nguyên tắc để thực hiện cho giai đoạn sau.

Bên cạnh nội dung trên, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đa số thành viên Hội đồng Dân tộc có ý kiến bổ sung quy định cho Hội đồng nhân dân tỉnh khi phân bổ chi tiết chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm. Năm còn lại thì có thể căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương về đối tượng, địa bàn, nhu cầu, bảo đảm nguyên tắc chung nhất là trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, tập trung cho các hoạt động có hiệu quả, mà không nhất thiết phải tuân thủ theo các quy định chi tiết về tiêu chí phân bổ vốn trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn áp dụng cho từng Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, báo cáo thẩm tra nêu rõ, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc và sửa chính sách này theo hướng phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định việc ban hành, điều chỉnh quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.

Cơ chế này để bảo đảm linh hoạt giải quyết ở những địa phương chưa hoàn thành hoặc các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khi phát sinh vấn đề mới, cần điều chỉnh, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Liên quan đến cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư.

Theo đó, cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ hỗ trợ trọn gói cho tổ nhóm cộng đồng theo phương án sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt. Cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất tạm ứng tối đa 50% tổng vốn của dự án; cộng đồng tự thực hiện, tự giám sát với sự hỗ trợ kỹ thuật của các ban ngành liên quan tại địa phương. Kết thúc thời điểm thực hiện dự án, cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất nghiệm thu và giải ngân vốn còn lại trên kết quả thực hiện. Thực hiện theo cơ chế ứng trước thay vì quản lý theo kế quả đầu ra như hiện nay.  

Sau khi thảo luận tại tổ và hội trường trong ngày hôm nay, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được Quốc hội thông qua vào sáng 18/1.

Tin liên quan
Tin khác