Theo Bộ Công thương, điều này là nhằm xử lý nghiêm minh và tăng cường ý thức người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định, pháp luật nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính cung cấp thông tin về tổng số tiền thuế dự kiến sẽ thu được theo từng phương án và chênh lệch số tiền thuế trong tờ trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó vào cuối tháng 8/2013, Bộ Tài chính đã cho hay, hiện mới chỉ có 129 xe ô tô mang biển ngoại giao, biển nước ngoài đã hết thời hạn lưu hành tại Việt Nam đến cơ quan hải quan làm thủ tục chuyển nhượng.
So với con số hơn 500 xe ngoại giao hết hạn lưu hành theo quy định được thống kê hồi tháng 11/2012 và sau đó đã được cơ quan hữu trách nối dài thêm 70 xe nữa thì số xe tiến hành làm thủ tục trả biển, thu hồi đăng ký vẫn còn rất khiêm tốn.
|
Một chiếc xe biển ngoại giao bị Công an Phú Thọ tịch thu (Ảnh Thanh Hương) |
Đáng nói là, trong 129 xe ô tô đến làm thủ tục chuyển nhượng thì tới ngày 15/8/2013 cũng mới chỉ có 26 xe (trong đó có 21 xe ô tô) là hoàn tất thủ tục nộp thuế với số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Có 65 xe ô tô đã hoàn thành thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số trong thời hạn 60 ngày (từ 10/4-10/6/2013) và đã nộp hồ sơ chuyển nhượng tại cơ quan hải quan trong thời gian trên, nhưng chưa nộp thuế.
Còn 38 xe khác đã hoàn thành thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số trong thời hạn trên nhưng nộp hồ sơ chuyển nhượng sau ngày 10/6/2013.
Việc mới có một số ít cá nhân đang sử dụng xe ngoại giao không đúng mục đích hoàn tất nộp thuế so với lượng xe được thống kê là bởi số thuế phải nộp khá cao so với giá trị thực tế của xe tại thời điểm tính thuế.
Đơn cử như trường hợp xe Mercedes S320 của một viên chức ngoại giao Nhật Bản được tạm nhập năm 2000 và đã chuyển nhượng cho cá nhân tại Việt Nam vào năm 2004, khi viên chức ngoại giao này kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam thì đây cũng là thời điểm thay đổi mục đích sử dụng của chiếc xe.
Theo các chính sách thuế thực hiện tại thời điểm năm 2004, các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng phải nộp lên tới 1,439 tỷ đồng. Tuy nhiên, chiếc xe này hiện được đánh giá trên thị trường chỉ còn giá khoảng 450 triệu đồng.
Nếu căn cứ chính sách thuế tại thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng (thời điểm hiện tại) thì số thuế các loại lại bằng 0, vì đã nhập khẩu và sử dụng ở Việt Nam trên 10 năm (nên giá trị tính thuế bằng 0).
Câu chuyện vướng mắc về tổng số thuế các loại phải nộp giữa thời điểm viên chức ngoại giao hết hạn về nước với thời điểm chuyển nhượng của xe được các bên trưng ra với cơ quan hữu trách đang khiến việc xử lý dứt điểm xe ngoại giao hết hạn lưu hành trở nên phức tạp hơn. Từng có các đại gia đề nghị tính lại số tiền thuế phải nộp với chiếc xe BMW 745Li hay một đại gia khác mua xe Poscher phải xin trả lại xe vì không có tiền nộp thuế.
Thống kê mới nhất của Cục Hải quan Hà Nội với 21 xe ô tô, mô tô đã xóa số đăng ký lưu hành và đến làm thủ tục chuyển nhượng tính thuế nhưng chưa thực hiện nộp thuế cũng là một ví dụ rõ hơn về câu chuyện thời điểm này.
Với 21 chiếc xe đến làm thủ tục, số thuế tính theo thời điểm viên chức ngoại giao hết hạn công tác ở Việt Nam theo công văn 6648/BTC-TCHQ và 7057/BTC-TCHQ là 16,458 tỷ đồng. Trong khi đó,l giá trị tính thuế của xe tại thời điểm cơ quan hữu trách xác minh xe chỉ còn lại 5,45 tỷ đồng.
Để xử lý tình trạng chây ì cũng như những vướng mắc này, Bộ Tài chính đang tính tới phương án 1 là đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an thực hiện xử lý, tịch thu xe theo quy định, nếu các xe này không đến cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển nhượng trước ngày 30/9/2013.
Trước đó, cuối năm 2012, Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tịch thu hơn 20 xe ngoại giao hết hạn lưu hành tại Việt Nam theo quy định và sau đó đã bán đấu giá các xe này.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng dự phòng một phương án khác là gộp chung thuế ở thời điểm viên chức ngoại giao hết hạn và ở thời điểm người mua xuất trình giấy tờ việc mua bán lại, rồi chia đôi để ra số tiền mà người đang sử dụng xe ngoại giao hết hạn lưu hành phải nộp.
Phương án này cũng được Bộ Tài chính cho là sẽ hạn chế việc lợi dụng trốn thuế của người đang quản lý, sử dụng xe, đồng thời khuyến khích những người này đến nộp thuế tại cơ quan chức năng.
Dĩ nhiên, nếu thực hiện theo phương án này thì những người quản lý, sử dụng xe đã thực hiện việc nộp thuế sẽ được tính lại thuế và hoàn lại số tiền chênh lệch nếu có để đảm bảo tính công bằng.
Theo thống kê của Bộ Công an, cả nước hiện có khoảng 4.000 xe ngoại giao nhập khẩu từ năm 1998 đến hết tháng 8/2009, trong đó hàng nghìn ôtô chưa làm thủ tục chuyển nhượng hoặc đã chuyển nhượng nhưng không đóng thuế, làm thất thu một khoản thuế không nhỏ cho ngân sách nhà nước và không công bằng với những người dùng xe ô tô nói chung. Nhất là không ít những người đang đi xe biển ngoại giao hết hạn lưu hành lại là những công dân có điều kiện kinh tế khá giả.
Thanh Hương