Đầu tư
Ưu tiên 5 lĩnh vực thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao
Hồng Sơn - 11/01/2018 19:08
Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM dự kiến bắt đầu thu hút đầu tư từ năm 2019, tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin - truyền thông; năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học…

Thêm địa chỉ thu hút đầu tư

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM (khu công nghệ cao thứ 2) đang được triển khai nhanh.

“Chúng tôi vừa hoàn thành những thủ tục cần thiết để trình Thành phố và đang chờ các quyết định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án”, ông Quốc cho biết.

Sẽ có 5 lĩnh vực công nghệ được ưu tiên thu hút đầu tư vào Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM (khu công nghệ cao thứ 2)

Cũng theo ông Quốc, Dự án có kế hoạch thu hút đầu tư từ năm 2019. Theo đó, sẽ có 5 lĩnh vực công nghệ được ưu tiên thu hút đầu tư, gồm: công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vũ trụ, cải thiện môi trường sống; năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học chuyên ngành y sinh, thiết bị y tế; công nghệ cao tích hợp.

Ông Quốc kỳ vọng, khu công nghệ cao thứ 2 có thể đón những dự án trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn trên thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp trong nước cũng có thêm cơ hội đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Trước đó, TP.HCM đã giao Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn chủ trì nghiên cứu và đề xuất các phương án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công - tư (PPP) để xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung 2.

Theo tìm hiểu, đến thời điểm này, dù chưa thống nhất được địa điểm xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung 2, nhưng các bên liên quan vẫn đang rốt ráo thực hiện. Dự án này cũng được kỳ vọng thu hút được nhiều dự án của các “đại gia” trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu và góp phần tăng vị thế ngành gia công phần mềm của Việt Nam.

Doanh nghiệp vẫn cần… kích cầu

Gần đây, TP.HCM đã quyết định xóa bỏ các khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, Phước Hiệp, Bàu Đưng và bổ sung Khu công nghiệp Phạm Văn Hai (quy mô 668 ha) vào quy hoạch. Theo đánh giá, động thái này là cần thiết để thu hút đầu tư trong bối cảnh nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đã được lấp đầy.

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng ban, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, Ban Quản lý đang cân nhắc, xem xét đề xuất giao một số doanh nghiệp có vốn nhà nước làm chủ đầu tư hạ tầng đối với các khu công nghiệp mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại TP.HCM cho rằng, giá cho thuê đất cao hơn so với các địa phương lân cận là một “rào cản” trong thu hút đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu của việc này là do nhiều khu vực ở TP.HCM có nền đất yếu, nên chi phí đầu tư hạ tầng cao hơn. Những khu có vị trí thuận lợi thì hầu như đã lấp đầy, trong khi những khu mới thì kết nối hạ tầng giao thông chưa tốt, khiến nhà đầu tư e ngại.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh - doanh nghiệp vừa đầu tư dự án tại SHTP - cho biết, suất đầu tư ở đây rất cao, lên tới 1 triệu USD cho 1.000 m2, nên quá tầm với của nhiều doanh nghiệp trong nước. Ngoài việc phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí mới được vào đầu tư dự án tại SHTP, doanh nghiệp Việt còn phải “quyết đấu” với các doanh nghiệp FDI có cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, theo ông Tống, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cũng khiến không ít doanh nghiệp trong nước “đau đầu”, bởi một lượng lớn đã đổ vào các doanh nghiệp FDI.

Chia sẻ vấn đề này, ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước đang vừa thiếu, vừa yếu. Ngoài ra, nhân sự tại nhiều doanh nghiệp nghỉ việc khiến các doanh nghiệp cũng e ngại việc đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động.

Theo các doanh nghiệp, ngoài những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thì việc được vay vốn từ “Chương trình Kích cầu đầu tư” của TP.HCM đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Ông Tống cho biết, khi đầu tư dự án tại SHTP, Công ty Duy Khanh  đã được vay ưu đãi tối đa theo quy định của chương trình này.

“Đây là hỗ trợ rất quan trọng đối với cho doanh nghiệp, bởi được vay tới 70% phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị trong 7 năm và được hưởng lãi suất vay ưu đãi”, ông Tống chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác