Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm học 2022 - 2023 là một năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo;
Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023. |
Đây cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông.
Đây cũng là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
Đồng thời cũng là thời điểm triển khai thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Năm học 2023-2024 ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29.
Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; kết quả thi bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trang thừa, thiếu giáo viên đã có thêm giải pháp khắc phục.
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu giáo viên;
Tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả;
Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận; và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian sắp tới.
Riêng về sách giáo khoa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành;
Thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa. Chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm về việc rà soát công tác biên soạn lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định;
Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, cơ cấu lại, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định;
Thực hiện linh hoạt phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời, phù hợp, hiệu quả với điều kiện cụ thể tại địa phương.
Đồng thời khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại báo cáo số 584 ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện NQ số 88/2014 và NQ số 51/2017 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Về phía Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ theo QĐ số 72 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị bảo đảm về số lượng và chất lượng; hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị định số 111/2022 ngày 30/12/2022 của Chính phủ trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp, hiệu quả.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra, tổng hợp nhu cầu giáo viên năm học 2023-2024 còn thiếu của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra địa phương thực hiện bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và QĐ số 30/2021 ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới;
Tiếp tục triển khai tuyển dụng số biên chế được giao theo quyết định số 72 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Khẩn trương khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập giữa các cấp học và các địa bàn của địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;
Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa hoặc tăng giá bất hợp lý trước khi khai giảng năm học mới.
Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.