Số dư Quỹ BOG xăng dầu hết quý III/2023 còn hơn 7.000 tỷ đồng. |
Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tính đến ngày 30/9 là hơn 7.058 tỷ đồng, trong khi con số này của 3 tháng trước là 7.429 tỷ đồng. Đây là dữ liệu mới nhất vừa được Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo hôm 23/11.
Theo cơ quan này, tổng số trích quỹ bình ổn giá trong quý III/2023 (từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023) là 13,92 tỷ đồng. Trong khi đó, số chi Quỹ là 387,94 tỷ đồng.
Lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá dương trong quý III là 3,558 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá âm là 0,311 tỷ đồng.
Tại bảng thống kê chi tiết trích lập chi sử dụng các thương nhân đầu mối, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư Quỹ Bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6/2023 cao nhất với 3.088 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng số dư quỹ.
Tiếp theo là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 466 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 446 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP với 391 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với hơn 327 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội với 292 tỷ đồng…
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 4 đơn vị đang âm Quỹ Bình ổn giá là: Công ty cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Oil), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An, Công ty TNHH Petro Bình Minh.
Hôm 17/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2023/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Nghị định 80 đã bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, Nghị định nêu rõ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.
Ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.
Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15/8, ngày 15/2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 15/8 được tổng hợp từ 1/1 đến hết 30/6. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo 15/2 được tổng hợp từ 1/7 đến hết 31/12 năm trước liền kề.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.
"Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu và báo cáo công khai. Trường hợp vi phạm, căn cứ mức độ, hành vi sẽ bị phạt hành chính theo quy định về lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn", Nghị định nêu rõ.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chỉ sử dụng, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thì sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Thời hạn tạm dừng kinh doanh xăng dầu là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy mức độ vi phạm.