Nhu cầu xăng dầu trong nước tăng cao so với dự kiến, nhưng nguồn cung chưa tăng tương ứng Ảnh: Đức Thanh |
Nguy cơ thiếu nguồn cung
Giá dầu thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối bị lỗ nên nhập khẩu cầm chừng, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, nhu cầu xăng dầu trong nước tăng cao so với dự kiến mà nguồn cung chưa tăng tương ứng… là những nguyên nhân khiến cung ứng xăng dầu vẫn có nguy cơ đứt gãy.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Công thương cho biết, 10 tháng đầu năm 2022, nguồn sản xuất từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dù 2 nhà máy đã sản xuất vượt công suất, Bình Sơn gần đây sản xuất vượt 112%, nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Cụ thể, 10 tháng, nguồn sản xuất trong nước từ 2 nhà máy đạt 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký là 9,87 triệu m3/tấn, như vậy vẫn còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại.
- Bộ Công thương
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép do vi phạm hành chính, số khác bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan do không đáp ứng điều kiện về kết nối dữ liệu điện tử, nên ảnh hưởng tới nguồn cung thực tế.
Giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường, trong 10 tháng đầu năm đã tăng 37-85% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này khiến doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao, nên thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí nên cắt giảm mạnh ở khâu bán hàng, gián đoạn việc bán hàng.
Cộng với lý do tỷ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phi kinh doanh xăng dầu tăng theo, hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu trong một số thời điểm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, room tín dụng thì còn, nhưng nếu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhà nước được vay tín chấp, thì các doanh nghiệp tư nhân lại không còn tài sản để thế chấp. Vì vậy, nguồn tài chính ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xăng dầu, nên các doanh nghiệp đầu mối chỉ duy trì nhập lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của mình và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngoài những nguyên nhân kể trên, có nguyên nhân chủ quan là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng cao và liên tục. Nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ khi tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành, nên chưa khuyến khích doanh nghiệp nhập xăng dầu để cung ứng cho thị trường trong nước.
Giải pháp nào để chấm dứt thiếu xăng dầu cục bộ
Thời gian tới, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, do tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu vẫn tiếp tục khó khăn. Trong công điện mới nhất gửi các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để thiếu hụt cục bộ, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài.
Nêu giải pháp chấm dứt việc thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ Công thương cho rằng, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu còn tiếp tục căng thẳng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhập khẩu, do đó còn phải chịu tác động từ sự dị biệt của thị trường xăng dầu thế giới.
Dẫn chứng là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang nhập khẩu 100% nguồn dầu thô để chế biến, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng sử dụng 50% nguồn dầu thô nhập khẩu. Tổng cộng, Việt Nam vẫn phụ thuộc 80% dầu thô và xăng dầu thành phẩm để sử dụng.
Nguồn cung xăng dầu trên thế giới khó khăn, Việt Nam không nằm trong đối tượng ưu tiên bán của các nước. Trong khi đó, các nước EU đang mua gom nguồn từ các quốc gia để đảm bảo đủ nhiên liệu cho mùa đông sắp tới, khi họ cấm vận dầu Nga
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, giải pháp cần nhất lúc này là tính đúng, tính đủ các chi phí để doanh nghiệp thoát lỗ và giúp họ tiếp cận tín dụng vay ngân hàng..., thì mới giải quyết dứt điểm tình trạng hiện nay.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít, kg, so với hiện hành. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đánh giá, việc điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu từ ngày 11/11 mới giúp giải quyết một phần khó khăn và doanh nghiệp vẫn chưa thoát lỗ.
Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến để điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu vào ngày 21/11 tới. Hy vọng thị trường xăng dầu sẽ sớm có chuyển biến tích cực hơn, cung cầu được thông suốt khi các chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ.