Sở dĩ vàng tăng mạnh trong phiên sáng nay khi các dự báo về lạm phát tháng 1/2022 của Mỹ sẽ tăng lên 7,3% trong khi tháng 12/2021 là 7%.
Trước đó, số liệu khả quan về thị trường lao động trong tuần trước đã thúc đẩy đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng giá vàng sẽ ở quanh mức hiện tại cho đến khi dữ liệu lạm phát tháng 1 được công bố. Điều này cũng có thể đưa ra nhiều dấu hiệu về tốc độ tăng lãi suất.
Trong khi chỉ số lạm phát được dự đoán sẽ tăng mạnh, góp phần củng cố vị trí của mặt hàng kim quý vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro thì việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ làm tăng chi phí cơ hội của người nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát trong tháng 1 của Mỹ dự kiến được công bố vào hôm nay vì nó có thể cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn về quỹ đạo tăng lãi suất của Fed.
Cùng với dự báo lạm phát cao, lợi tức kho bạc Mỹ tăng trong tuần này cho thấy thị trường đang đặt cược vào một lộ trình tăng lãi suất tích cực hơn từ Fed trong những tháng tới.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm từ mức cao nhất kể từ tháng 11/2019, trong khi USD suy yếu, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ giảm xuống 95,55 điểm.
Đồng thời, thị trường vẫn đang theo dõi chặt chẽ việc Nga thiết lập quân đội và vũ khí ở biên giới Ukraine. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Nga có thể không xâm lược Ukraine, trong bối cảnh chính sách ngoại giao từ các quốc gia châu Âu đang hết sức tập trung vào vụ việc này.
Tuy nhiên, vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn đối với nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát cao, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu suy thoái và căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Các nhà phân tích còn đưa ra dự báo, nếu vàng phá vỡ 1.900 USD - mức quan trọng về mặt kỹ thuật và tâm lý - thì 2022 sẽ là một năm rất tốt đối với kim loại màu. Còn dự đoán của Wells Fargo là đến cuối năm, giá vàng lên mức 2000 - .2.100 USD/ounce.
Đối với thị trường vàng trong nước, sau khi điều chỉnh giảm mạnh cuối ngày tối qua đã lập tức tăng lên đầu phiên sáng nay.
Vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào, lên 61,7 triệu đồng/lượng và tăng 600.000 đồng ở chiều bán ra, lên 62,7 triệu đồng/lượng.
Doji điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng bán ra. Cùng thời điểm khảo sát, tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC tăng 250.000 đồng/lượng cho chiều mua và tăng 150.000 đồng/lượng cho chiều bán.
Tuy nhiên, biên độ mua - bán vẫn được các nhà kinh doanh vàng kéo giãn lên 1 triệu đồng/lượng, nhằm phòng ngừa lúc giá vàng giảm đột ngột để tránh chịu thiệt về mình, đẩy rủi ro cho người mua.
Đáng chú ý, vàng nhẫn 9999 loại 1 - 2 chỉ được SJC mua vào 53,3 triệu đồng/lượng và bán ra 54,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa mua và bán vàng nhẫn của SJC cũng được đẩy lên mức 1 triệu đồng/lượng dù ngày thường khoảng cách này chỉ dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/lượng.
Đây là rủi ro lớn nhất và cũng là khoản lỗ cao nhất cho người mua vàng với mong muốn cầu may trong ngày Thần tài dù giá vàng có khả năng tiếp tục tăng.
Thực tế, với những người mua vàng SJC từ ngày 8-9/2 thì nay đã bị "thổi bay" hơn 2,3 triệu đồng/lượng. Cụ thể, từ đỉnh lịch sử 64,45 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã tuột dốc không phanh xuống còn 61,35 - 62,15 triệu đồng/lượng (mua-bán) cuối ngày 9/2.
Mặt khác, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện vẫn ở mức kỷ lục trên dưới 13 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá Vietcombank là rủi ro lớn đối với người mua vàng ở thị trường nội địa và nhất là chạy theo vía Thần Tài.
Ngày 10/2, tỷ giá trung tâm sáng 10.2 được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 4 đồng/USD, lên 23.108 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giảm nhẹ giá đô la Mỹ 10 đồng/USD, Vietcombank mua vào còn 22.510 đồng/USD và bán ra 22.820 đồng/USD.