Vàng vừa ghi nhận tuần giảm sâu nhất kể từ năm 1983 với 143 USD “bốc hơi” ở mỗi ounce vàng, tương đương mức giảm 8,4%. Chuỗi ngày giảm kể từ mức đỉnh 1.700 USD/oz hôm 9/3 vẫn đang tiếp tục trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới.
Đến 9h sáng tại sàn NewYork, giá vàng đã giảm xuống mức 1.446 USD/oz, giảm 106 USD/oz so với thời điểm đầu ngày cách đó vài tiếng. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ hồi tháng 8/2019. Toàn bộ phần lãi từ đầu năm 2020 đã “mất sạch” chỉ sau hơn một tuần.
Hiện giá vàng đang nhích lên đáng kể. Cụ thể, vàng giao ngay giao dịch ở mức 1.492 USD/oz, trong khi vàng giao tương lai vào tháng 4/2020 có giá 1.478 USD/oz. Với sự hồi phục nhanh chóng này, giá vàng giao ngay hiện còn giảm 70 USD/oz.
Vàng thế giới bất ngờ lao dốc giảm sâu |
Trước khi rơi sâu từ chiều tối nay, xu hướng giảm của giá vàng trong ngày đầu tuần cũng khá rõ ràng sau khi vàng đã bật tăng 40 USD/oz, lên 1.571 USD/oz nhờ quyết định hỗ trợ nền kinh tế của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed đã quyết định hạ khung lãi suất điều hành xuống 0% - 0,25%, đồng thời, cam kết mua thêm ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng về 0% và cho phép các nhà băng vay vốn khẩn cấp từ Fed với kỳ hạn lên tới 90 ngày, phối hợp với các ngân hàng trung ương khác để đảm bảo không thiếu hụt đồng USD trên toàn thế giới.
Hầu hết các thị trường đều chao đảo. Chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones và S&P 500 có thời điểm giảm hơn 10%, giá dầu WTI cũng xuống dưới ngưỡng 30 USD/oz. Một số tài sản an toàn khác như trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD vẫn đang có giá khá cao.
Tại thị trường trong nước, vàng miếng SJC ngày hôm nay cũng nhiều lần điều chỉnh giảm và khá chênh lệch lệch giữa các hãng vàng. Đồng thời, giá mua – bán vàng cũng đều đồng loạt nới rộng, thậm chí lên tới 1,5 triệu đồng như ở Tập đoàn Phú Quý (45,1 triệu đồng/lượng – 46,6 triệu đồng/lượng). Tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng vẫn dược giữ khá cao, với giá vàng chiều mua vào là 45,9 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra là 46,8 triệu đồng/lượng.