Mặt hàng kim quý vàng đã tăng mạnh sau khi dữ liệu cho thấy những tín hiệu hạ nhiệt của lạm phát tại Mỹ được công bố trong ngày 12/1. Có thể điều này thúc đẩy triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm lại tiến trình nâng lãi suất.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm 0,1% trong tháng 12/2022, sau khi tăng 0,1% trong tháng 11. Giá tiêu dùng của Mỹ tháng 12 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự đoán của thị trường, sau khi tăng 7,1% vào tháng trước đó. Lạm phát lõi cũng trùng với kỳ vọng, khi tăng 0,3% vào cuối năm trước.
Báo cáo vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 12/2022 giảm 0,1% so với tháng trước đó và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2021. Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ năm 2021, CPI tăng 6,5%, qua đó cho thấy áp lực chi phí cao kéo dài đang đè nặng lên các hộ gia đình.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước đó và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021, cũng bằng với kỳ vọng. Đà giảm mạnh của giá xăng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của CPI.
Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, trước chiều hướng CPI của Mỹ giảm, Fed có thể nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 2 trước khi tạm dừng và hạ lãi suất vào nửa cuối năm 2023. Vì thế, lợi suất thực và USD giảm đã hỗ trợ vàng, vì hai yếu tố cản trở chính đối với vàng trong suốt năm 2022 đang có dấu hiệu lắng xuống.
Chỉ số USD-Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ giảm xuống 102 điểm so với mức đỉnh xác lập trong năm 2022 là trên 110 điểm. Đồng đôla Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.
Tuy nhiên, các quan chức của Fed vẫn nhấn mạnh rằng, trong khi các con số CPI đang đi đúng hướng, Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn giữ lập trường đưa lạm phát trở lại mức 2%. Fed thấy lãi suất tăng chậm hơn nhưng lâu hơn và có khả năng cao hơn.
Các nhà đầu tư đang định đặt cược khoảng 90% khả năng lãi suất tăng 25 điểm cơ bản lên khoảng 4,5% đến 4,75% tại cuộc họp tiếp theo của Fed. Còn các quan chức của Fed dự đoán lãi suất sẽ đạt mức 5% để kiểm soát lạm phát, vốn đã đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.
Triển vọng được đưa ra khi giá vàng neo gần mức cao nhất trong 8 tháng và tiến gần hơn tới ngưỡng 1.900 USD/ounce. Thậm chí, mặt hàng kim quý vàng còn được dự báo sẽ có triển vọng tăng lên 2.000 USD/ounce năm nay.
Đối với thị trường vàng trong nước, trong phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC ở mức 66,3- 67,1 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao. Một phần nguyên nhân là do cung vàng miếng thương hiệu SJC trong nước hạn chế kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng đến nay.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 3 đồng, xuống còn 23.602 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giảm nhẹ 2 đồng cuối phiên trước đó, xuống còn 23.443 đồng/USD. Tại các ngân hàng thương mại duy trì giá USD ở mức thấp. Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, giá mua vào công bố ở mức 23.260 - 23.290 đồng/USD, bán ra 23.610 đồng/USD.