Giá vàng thế giới đã tăng, giảm khá mạnh trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 28/2) với biên độ từ 1.890 - 1.920 USD/ounce sau khi việc phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung và thúc đẩy giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng.
Vàng thường được coi là nơi lưu trữ giá trị trong thời điểm bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng khoảng 6,5% trong tháng 2/2022. Kim loại quý đã lên mức cao nhất trong 18 tháng là 1.973,96 USD vào tuần trước.
Tuy nhiên, mặt hàng kim quý vàng vẫn đang chịu nhiều tác động từ căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ bắt đầu mua vàng trên thị trường kim loại quý trong nước.
Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất chính lên 20% từ 9,5%. Nga là quốc gia sở hữu vàng có chủ quyền lớn thứ năm và vàng chiếm 20% dự trữ thế giới.
Giới phân tích tài chính cho rằng, khi căng thẳng địa chính trị thực sự leo thang, vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn chính vượt trội hơn so với các loại tiền điện tử và thậm chí các tài sản khác như trái phiếu.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự cũng chính là mức cao nhất trong tuần này là 1.976 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.850 USD/ounce.
Trong khi đó, sức khỏe đồng bạc xanh của Mỹ tăng trước bối cảnh các nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản an toàn sau khi phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga do nước này tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 96,68 điểm sáng nay.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tiếp tục đi xuống, đồng nghĩa với việc giá tăng lên do nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Đây sẽ là nguyên nhân thúc đẩy đồng bạc xanh đứng ở mức cao.
Đóng cửa phiên giao dịch 28.2, chỉ số Dow Jones rớt 166,15 điểm, tương đương 0,49% xuống 33.892,60 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,24% còn 4.373,94 điểm. Ngược lại, Nasdaq Composite vào cuối phiên tăng 0,41% lên 13.751,40 điểm.
Đối với thị trường vàng trong nước, mở cửa phiên sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 65,25 triệu đồng/lượng và bán ra 66 triệu đồng/lượng và sau đó nhích nhẹ lên 65,35-66,1 triệu đồng/lượng (mua-bán).
Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới vẫn hơn 13 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.
Ngày 1/3, Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.137 VND/USD, giảm 3 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được giữ ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.
Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.443 - 23.831 VND/USD. Sáng nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi xuống như Vietcombank giảm 10 đồng, đưa giá mua vào còn 22.640 đồng/USD và bán ra 22.950 đồng/USD.