Vàng tăng khi sức khỏe đồng bạc xanh yếu
Mở cửa phiên giao dịch trong ngày cuối tuần sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch (ngày 4/1), giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.297,1 USD/ounce, tiếp tục tăng mạnh hơn 10 USD, tương đương mức tăng hơn 0,7% so với phiên giao dịch đầu giờ một ngày trước đó (ở mức 1.286,8 USD/ounce). Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong hơn 6 tháng qua và tiệm cận mốc 1.300 USD/ounce.
Giá vàng được dự báo tăng trong năm 2019. Trong ảnh: Giao dịch tại cửa hàng vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Đ.T |
Nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng mạnh được các chuyên gia phân tích của Công ty PNJ cho là do chỉ số giá USD giảm 0,6%, xuống mức 96,02 điểm, đồng thời thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch vừa qua cũng giảm mạnh (các chỉ số chứng khoán lớn như Dow Jones giảm hơn 2,8%, chỉ số S&P 500 giảm 2,47% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3%).
Trong khi đó, một nhà phân tích trong lĩnh vực vàng cho rằng, vàng đã ở trong xu hướng tăng giá trong gần 2 tháng qua. Kể từ giữa tháng 11/2018, giá vàng giao dịch chỉ dưới 1.200 USD/ounce, nay đã cao hơn gần 100 USD/ounce.
Giá vàng đã có những phiên tăng mạnh đầu năm 2019, với hợp đồng tương lai hoạt động mạnh nhất vào tháng 2 tăng hơn 12 USD và từng chạm mức 1.296,30 USD/ounce. Giá vàng hiện nằm không xa mức 1.300 USD/ounce và việc chuyển sang cột mốc trên chắc chắn sẽ tạo ra một đợt tăng giá nhanh hơn, vì vàng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn trong bối cảnh đồng bạc xanh yếu và lạm phát tăng.
Ông Trần Thành Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, USD tăng giá trong năm qua khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất là một trong những động lực chính ngăn chặn giá vàng năm 2018. Nhưng một khi đồng bạc xanh được đánh giá yếu dần sẽ tạo ra xu hướng đảo ngược. Giá vàng sẽ được tác động tích cực khi USD giảm.
Căng thẳng thương mại hỗ trợ giá vàng?
USD yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ hỗ trợ giá vàng. Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Eximbank nhận định, USD mất đi động lực, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn và sự không chắc chắn về kinh tế sẽ là những nhân tố hỗ trợ giá vàng trong năm nay.
Các nhân tố địa chính trị điều hướng thị trường vẫn đang hiện hữu. Trong đó, vấn đề hàng đầu là các cuộc đàm phán nhằm giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Trong tuần cuối cùng của năm 2018, lực mua vàng vẫn tăng khá mạnh trên thị trường quốc tế. Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng lên mức 1.280 USD/ounce. Giá vàng tăng do USD giảm, chứng khoán thế giới giảm. Nhà đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ suy giảm trong 2019 và Fed hoãn tăng lãi suất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đà tăng của giá vàng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019. Theo nhận định của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tiềm năng tăng giá vàng trong năm 2019 vẫn còn lớn, vì các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng có ít tài sản phòng thủ rủi ro hơn trong điều kiện bất ổn kinh tế, địa chính trị ngày càng lớn. Tuy trong năm 2018, các nhà đầu tư trên thế giới tăng mua USD để phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng tình hình năm 2019 sẽ hoàn toàn khác, bởi tài sản trú ẩn an toàn sẽ là vàng, chứ không phải USD.
Ngân hàng Citibank cho biết, họ sẽ mua vàng trong năm 2019 khi giá kim loại này giảm về mức hấp dẫn. Theo Citibank, trong bối cảnh tần suất chứng khoán thế giới giảm điểm đang gia tăng, một số nền kinh tế lớn đang rút dần các chương trình kích thích kinh tế, bất ổn kinh tế cũng có dấu hiệu lớn hơn, rủi ro địa chính trị gia tăng, vàng được dự báo tăng lên mức 1.300 USD/ounce trong năm nay.
Citibank cũng nhận định, khoảng 30% khả năng giá vàng sẽ tăng lên 1.400 USD/ounce vào cuối quý III/2019 và đạt mức giá bình quân năm là 1.365 USD/ounce.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng năm 2019 sẽ đi theo xu hướng tăng nhiều hơn giảm, do các yếu tố hỗ trợ ngày một lớn. Đồng thời, dù giá vàng năm 2019 đi theo kịch bản nào thì giá vàng tại thị trường Việt Nam vẫn luôn cao hơn khá nhiều, với mức chênh lệch dự báo khoảng 4 triệu đồng/lượng.
“Dù giá vàng năm 2019 đi theo kịch bản nào thì giá vàng trong nước sẽ luôn cao hơn so với giá vàng quốc tế”, ông Trần Thanh Hải nói.
Theo ông Hải, giá vàng trong nước luôn cao hơn đáng kể so với giá vàng quốc tế, bởi nguồn cung trong nước hạn hẹp, các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam thường mua vào bao nhiêu, bán ra bấy nhiêu và luôn phải giữ mức chênh lệch nhất định giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế để phòng ngừa rủi ro.